In trang này

Nông nghiệp 2019 có thể tụt dốc

Nông nghiệp 2019 có thể tụt dốc

Cho dù đã bị giảm một phần ba so với tốc độ tăng trưởng kỷ lục 3,97% trong cùng kỳ năm 2018, nhưng mức tăng 2,68% của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản trong quí 1 vừa qua vẫn đứng thứ tư trong 10 năm trở lại đây.

Điều này có nghĩa, nếu giành được những kết quả tốt hơn trong những quí tới, hay thậm chí chỉ cần duy trì được tốc độ như quí 1 thì năm 2019 vẫn là năm tăng trưởng khá của khu vực kinh tế này. Thế nhưng, có hai tác nhân mấu chốt đang khiến nông nghiệp có thể tiếp tục tụt dốc trong thời gian tới.

Trước hết, xét trên tổng thể, đã từ hai thập kỷ trở lại đây, không phải thị trường trong nước mà thị trường xuất khẩu mới là động lực phát triển chủ yếu của nền kinh tế Việt Nam.

Bởi lẽ, như các số liệu thống kê cho thấy, tới thời điểm năm 1999, trong khi tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng bình quân đầu người là 188 đô la Mỹ thì xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ mới chỉ đạt mức xấp xỉ (187 đô la Mỹ); còn trong năm 2018, hai con số tương ứng là 1.837 và 2.370 đô la Mỹ.

Do vậy, nếu nói thương mại là nguồn động lực phát triển kinh tế, thì tỷ lệ giữa hai đầu ra này ở thời điểm năm 1999 là 50/50, còn hiện nay xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ chiếm tỷ lệ áp đảo 59,3% và bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tụt xuống vị trí thứ yếu 40,7%.

Thế nhưng, với riêng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, câu chuyện lại khác hẳn.

Đó là, ở thời điểm chúng ta còn quá nghèo với thu nhập chỉ 1 đô la Mỹ/người/ngày năm 1999, xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ yếu bình quân đầu người của Việt Nam chỉ mới đạt 46 đô la Mỹ; còn với quyền số để tính chỉ số giá tiêu dùng cao ngất ngưởng 60,86%, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống trong “rổ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng” lên tới 114 đô la Mỹ, tức là cơ cấu nguồn động lực này như đã nói ở trên là 28,5% và 71,5%.

Sau gần 20 năm nỗ lực phấn đấu, Việt Nam đã đạt được những thành tựu vượt trội trên tầm toàn cầu và lọt vào tốp 20 quốc gia xuất khẩu hàng nông sản nhiều nhất thế giới. Nhưng nếu tính bình quân đầu người thì con số này năm 2018 cũng chỉ là 393 đô la Mỹ, trong khi nhóm hàng ăn và dịch vụ dịch vụ ăn uống trong “rổ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng” dù đã giảm quyền số xuống gần một nửa (chỉ còn 36,12%) thì vẫn lên tới 677 đô la Mỹ, tức là cơ cấu nguồn động lực này như đã nói ở trên vẫn chỉ là 36,8% và 63,2%.

Những điều nói trên có nghĩa là, trong khi công nghiệp và phần nào đó là cả khu vực dịch vụ của nước ta chủ yếu phải dựa vào xuất khẩu mới có thể phát triển mạnh, thì nguồn động lực chủ yếu để phát triển của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn là thị trường trong nước.

Trong bối cảnh như vậy, dấu hiệu bão hòa của thị trường trong nước khiến khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng trưởng chậm lại đã bộc lộ hết sức rõ ràng. Bởi lẽ, thay vì đạt tốc độ tăng trưởng bình quân “khủng” 19,2%/năm trong giai đoạn 2005-2010, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống bình quân đầu người trong giai đoạn 2011-2015 chỉ còn tăng 8,83%/năm, còn ba năm gần đây chỉ còn tăng 1,48%/năm.

Trong đó, bốn năm liên tiếp gần đây có những biến động chưa từng có: năm 2015 tăng khá, nhưng năm 2016 giảm; năm 2017 tăng trở lại, nhưng năm 2018 lại “giậm chân tại chỗ”.

Nguồn động lực chủ yếu đã suy yếu như vậy chính là nguyên nhân chủ yếu khiến khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng trưởng chậm lại.

Trong khi đó, ở đầu ra khác, sau khi đạt tốc độ tăng trưởng cũng “khủng” 15,82%/năm trong thập kỷ trước, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu các mặt hàng nông sản trong tám năm gần đây chỉ đạt 7,45%/năm. Nguồn động lực từ bên ngoài thúc đẩy nông, lâm nghiệp và thủy sản phát triển những năm gần đây cũng đã giảm rất nhiều.

Còn hiện tại, tuy tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ yếu trong quí 1 năm nay chỉ giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2018 (8,5 tỉ đô la Mỹ so với 8,6 tỉ đô la Mỹ), nhưng nguyên nhân dẫn đến tình trạng này mới là điều đáng ngại nhất.

Các kết quả tính toán từ các số liệu thống kê xuất khẩu bảy mặt hàng nông sản chủ yếu có số liệu thống kê về lượng và giá trị của Việt Nam cho thấy, kim ngạch của quí 1 năm nay chỉ đạt 3,04 tỉ đô la Mỹ (giảm 13,6%), nhưng nếu quy về giá cùng kỳ năm 2018 thì đạt 3,48 tỉ đô la Mỹ, tức là chúng ta đã bị thua thiệt về giá tới 440 triệu đô la Mỹ, tương ứng với 14,4% so với kim ngạch thực tế của nhóm hàng này.    

Đây là hệ quả của việc các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ yếu của nước ta trong ba tháng qua đã “rủ nhau” đồng loạt giảm giá. Trong đó, đứng đầu là hồ tiêu với mức giảm 1.021 đô la Mỹ/tấn (chiếm tỷ lệ 27,6%), tiếp theo là nhân điều với 2.124 đô la/tấn (20,9%), gạo với 67 đô la/tấn (13,4%), cao su với 157 đô la/tấn (10,7%)...

                                                                                    Nông dân trồng hoa tại Gia Lai

Đây là bức tranh chung của thị trường thế giới, chứ không phải là câu chuyện riêng của nước ta. Bởi lẽ, như dự báo vừa mới được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố cách đây ít lâu, giá của hàng loạt nông sản trên thị trường thế giới năm nay đều giảm so với năm 2018.

Không những vậy, câu chuyện xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam còn có những nét đặc thù. Đó là, từ năm 2015 trở lại đây, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ để trở thành thị trường nhập khẩu nhiều hàng nông sản nhất của nước ta. Theo đó, nếu như trong năm 2015 Mỹ và Trung Quốc lần lượt nhập khẩu của ta 6 tỉ đô la Mỹ và 5,6 tỉ đô la (chiếm 21,0% và 19,5%, tính theo 13 mặt hàng nông sản chủ yếu theo số liệu thống kê của hải quan), thì trong năm 2017, hai cặp số liệu này là 9 tỉ đô la Mỹ so với 6,8 tỉ đô la (25,6% so với 19,4%).

Hơn thế, rổ hàng nông sản xuất khẩu của nước ta sang hai thị trường lớn nhất nhì này cũng có những khác biệt rất lớn. Đối với thị trường Mỹ, các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là các sản phẩm chế biến, hoặc các nông sản nguyên liệu mà chúng ta có thể xuất khẩu sang rất nhiều thị trường khác nhau và cũng không có sản phẩm nào tập trung quá lớn vào thị trường này, ngoại trừ nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ.

Trong khi đó, đối với thị trường Trung Quốc, chúng ta tập trung xuất khẩu nhiều mặt hàng vào đây quá lớn. Điển hình là sắn và sản phẩm sắn với tỷ trọng trên dưới 90%, rau quả ở thời kỳ cao điểm lên tới 75%, cao su lên tới trên dưới 60%, hoặc như mặt hàng nông sản chiến lược là gạo cũng có năm lên tới gần 40%...

Trong điều kiện “bỏ quá nhiều trứng vào một giỏ” như vậy, việc Trung Quốc giảm nhu cầu nhập khẩu, hoặc thắt chặt nhập khẩu như hiện nay đương nhiên khiến chúng ta phải đối mặt với những “núi” khó khăn, thậm chí không thể tìm kiếm được những thị trường thay thế. Việc xuất khẩu hai nhóm hàng sắn và sản phẩm sắn và rau quả sang thị trường này giảm khiến tổng kim ngạch xuất khẩu ra thị trường thế giới cũng giảm như hiện nay là những bằng chứng rất rõ ràng.

Trong điều kiện thị trường nông sản trong nước đã bão hòa, còn thị trường xuất khẩu thì gần như chắc chắn còn tiếp tục khó khăn như vậy, tốc độ tăng trưởng của khu vực kinh tế nông, lâm nghiệp và thủy sản năm nay tụt dốc là điều đương nhiên.

Nguyễn Đình Bích (thesaigontimes)

Đánh giá bài này
(1 Bình chọn)
Đã xem 1908 lần
PHÒNG TCHC

Chào mừng quý vị đã ghé thăm website của chúng tôi. Mọi thắc mắc và phản ánh xin vui lòng liên hệ với bộ phận Quản trị - Phòng Kinh tế tổng hợp (Email: info@mascopex.com)

Mới nhất từ PHÒNG TCHC

история кинематографа
Battlefield4