In trang này

Vòng xoáy của vàng

Vòng xoáy của vàng

Trong suốt mấy tuần qua, có lẽ tỷ lệ người dân quan tâm đến giá vàng ngày một tăng lên. Những người chưa có vàng hẳn suy tính liệu có nên mua 1-2 lượng. Những người đang có vàng thì trù tính bán ra. Lại có những người không có ý định mua bán, nhưng quan sát kỹ lưỡng để xem giá vàng còn “nhảy nhót” đến đâu...

Tất cả bởi người ta không thể tiên lượng giá vàng sẽ đi đâu, về đâu dẫu biết rằng giá không thể lên mãi, cũng không thể xuống mãi như quy luật muôn đời của cung cầu thị trường.

Giá vàng trong nước (vàng SJC bốn số chín) đã từng một thời gian dài quanh quẩn ở mốc 36 triệu đồng/lượng. Cái kiểu giá cứ giậm chân tại chỗ khiến nhiều người chán nản, chán vì thứ hàng hóa quý hiếm (hoặc được xem là tài sản tùy theo cách nhìn nhận của mỗi người) không đẻ ra lời cũng không phát sinh lỗ. Tâm lý con người ưa sự biến động. Thế nên trong giai đoạn 36 triệu đồng/lượng, không ít người đã “chia tay” với vàng.

Nhu cầu giao dịch hẹp lại, thị trường vàng ngày càng co rút như miếng da bị phơi khô. Đã thế giá vàng thế giới cùng hòa điệu, ổn định nhiều năm liền, nếu nhúc nhích cũng chỉ là lên xuống trong biên độ nhỏ. Do thái độ “lạnh nhạt” với vàng trở nên phổ biến khi ấy, nhiều thời điểm giá vàng nội thấp hơn vàng ngoại và hiện tượng xuất vàng lậu diễn ra. Đã từng có tuần, theo tính toán của một ngân hàng cổ phần ở phía Nam có chức năng kinh doanh vàng, giá trị vàng xuất lậu lên tới 500 triệu đô la Mỹ.

Đừng nghĩ rằng nguồn cung hạn chế, một khi cầu cao, giá sẽ được đẩy lên vượt quá xa giá trị thật. Trong giao dịch vàng, người mua lầm chứ người bán khó lầm.

Vàng gom để xuất lậu khá đa dạng, từ vàng trang sức đến vàng nguyên liệu, song nhiều nhất là vàng miếng, trong đó một tỷ lệ cao là vàng SJC. Tình trạng xuất lậu vàng diễn ra trong nhiều năm, lúc dồn dập, khi lai rai, giống như dòng sông lúc chảy xiết, khi lững lờ đã dần dần làm kiệt quệ nguồn cung vàng trong nước. Lượng vàng trong lưu thông bớt đi nhiều. Tuy nhiên ngay cả vậy, người ta cũng không quan tâm. Cái nhược điểm giá vàng ổn định, không lên không xuống, nghiễm nhiên trở thành điểm yếu của vàng.

Khoảng một thập niên trước, thời điểm vàng còn là một kênh đầu tư, tài sản tích lũy phổ biến, được gửi vào ngân hàng và hưởng lãi suất, có ngân hàng đã huy động thông qua gửi tiết kiệm bằng vàng được 30 tấn vàng. Khoảng 5-6 ngân hàng cổ phần khác huy động được tầm 5-10 tấn vàng/ngân hàng. Ước chừng tổng số vàng các ngân hàng huy động được đâu đó 60-70 tấn, tương đương 1,5-2 triệu lượng vàng miếng tùy thời điểm (1 tấn vàng tương đương 26.600 lượng quy đổi). Bấy giờ một số chuyên gia có ý kiến rằng lượng vàng trong dân có khả năng lên đến 500 tấn.

Thực tế chẳng có mảy may dữ liệu nào minh chứng lượng vàng trong dân là bao nhiêu. Hội đồng Vàng thế giới những năm đó công bố số lượng vàng Việt Nam nhập khẩu mỗi năm. Ai kiểm chứng độ chính xác của dữ liệu mà Hội đồng Vàng thế giới công bố? Không ai cả.

Kể từ khi chính sách chống đô la hóa và vàng hóa nền kinh tế được thực thi nghiêm ngặt, mà điều này là đúng vì trên lãnh thổ Việt Nam, sự thống lĩnh của tiền đồng là tất yếu, Ngân hàng Nhà nước không còn cấp hạn ngạch dập vàng miếng SJC và các thương hiệu vàng khác. Nguồn cung vàng miếng ra thị trường bị thắt lại, nói cho chính xác là bị chặt đứt. Từ đây vàng miếng có bao nhiêu trên thị trường thì giao dịch mua bán bấy nhiêu.

Chấm dứt dập vàng miếng cộng với xuất lậu là nguyên nhân chính làm lượng vàng miếng trong lưu thông ít đi. Trong trường hợp giá vàng tiếp tục ổn định như trước dịch Covid-19, sự yếu thế của vàng đã và có thể còn được ghi nhận.

Thế nhưng dịch Covid-19 đã làm thay đổi vận mệnh của vàng một cách quá nhanh, quá nguy hiểm! Tâm lý, cách nhìn nhận của các chủ thể, từ ngân hàng trung ương các nước đến nhà đầu tư tổ chức, cá nhân và một bộ phận người dân đã chuyển từ thờ ơ sang quan tâm và cuối cùng là móc hầu bao giải ngân vào vàng.

Giữa tháng 3-2020, phong tỏa để ngăn chặn dịch bệnh gấp rút được áp dụng tại nhiều quốc gia châu Âu, châu Á, thì giá vàng bắt đầu leo dốc từ 1.500 đô la Mỹ/ounce lên hơn 2.000 đô la và đỉnh điểm là 2.075,2 đô la/ounce vào ngày 6-8-2020 trước khi điều chỉnh về dưới ngưỡng 2.000 đô la. Trong nước, giá vàng biến động mạnh sau khi giá vượt qua mốc 50 triệu đồng/lượng và từ chỗ thấp hơn, tiến tới ngang bằng giá quốc tế, hai tuần gần đây giá vàng nội luôn cao hơn vàng ngoại. Giá quốc tế cao nhất mới tương đương 58,4 triệu đồng/lượng (tính cả thuế nếu được nhập vàng nguyên liệu), nhưng giá trong nước đã có lúc lên tới 62 triệu đồng/lượng.

Câu hỏi đặt ra là giá vàng còn biến động đến đâu và có nên mua vàng ở thời điểm này? Câu hỏi thứ nhất không ai dám trả lời bởi giá vàng quốc tế luôn chứa đựng trong nó yếu tố đầu cơ, sự thao túng bởi những “tay chơi” lớn, đặc biệt là các quỹ ETF chuyên về vàng. Sau khi vượt qua 2.000 đô la/ounce lần đầu tiên trong lịch sử, giá vàng quốc tế đang lùi lại một phần do các quỹ vàng ETF chốt lời. Trong khi đó các ngân hàng trung ương thế giới vẫn chưa ngừng mua vàng.

Ở chiều ngược lại, giá vàng quốc tế sẽ mất yếu tố hậu thuẫn nếu vaccin phòng Covid-19 được phát minh hay ít nhất có một loại vaccin được thử nghiệm cho kết quả như mong đợi. Vaccin Covid-19 có lẽ sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian, chứ không phải là có hay không có khi mà các quốc gia phát triển đang mạnh tay chi hàng tỉ đô la cho công cuộc nghiên cứu, thử nghiệm.

Vậy có nên mua vàng ở thời điểm này? Người viết bài nghiêng về phía không nên mua. Ngoài rủi ro sự biến động giá vàng quốc tế mà tầm kiểm soát của chúng ta không với tới được, sự thử thách lớn hơn đối với sức chịu đựng của người mua vàng hiện nay là chính sách “làm người ta chán vàng” của Nhà nước vẫn không thay đổi. Đừng nghĩ rằng nguồn cung hạn chế, một khi cầu cao, giá sẽ được đẩy lên vượt quá xa giá trị thật. Trong giao dịch vàng, người mua lầm chứ người bán khó lầm. Các ngân hàng và công ty kinh doanh vàng bạc đá quý nắm bắt biến động của giá quốc tế, của các ngoại tệ mạnh cũng như cung cầu thị trường nhanh hơn, đầy đủ hơn người dân. Họ là người quyết định mức chênh lệch giá mua - giá bán sao cho có lợi nhất cho bản thân họ. Khi giá biến động quá nhanh, các ngân hàng và công ty kinh doanh vàng luôn niêm yết giá mua - giá bán cách xa nhau để phòng ngừa rủi ro tối đa có thể. Mức chênh lệch này đã và đang triệt tiêu lợi nhuận của người mua vàng và nắm giữ vàng.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước bây giờ có thừa công cụ hữu hiệu trong tay để điều phối thị trường vàng vận hành theo mục tiêu đã định. Ngoài quỹ dự trữ ngoại hối đã vượt 84 tỉ đô la Mỹ theo số liệu mới nhất của cơ quan quản lý, Việt Nam hiện đang có dự trữ vàng ít nhất 10 tấn vàng. Cách đây năm năm, trả lời phỏng vấn người viết bài này, người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước đã cho biết đang có dự trữ 10 tấn vàng. Ông nhấn mạnh vàng dự trữ sẽ còn gia tăng như một phần của dự trữ ngoại hối. Với mức dự trữ này, Nhà nước có đủ sức can thiệp thị trường vàng nếu cần

Đánh giá bài này
(0 bình chọn)
Đã xem 1415 lần
PHÒNG TCHC

Chào mừng quý vị đã ghé thăm website của chúng tôi. Mọi thắc mắc và phản ánh xin vui lòng liên hệ với bộ phận Quản trị - Phòng Kinh tế tổng hợp (Email: info@mascopex.com)

Mới nhất từ PHÒNG TCHC

история кинематографа
Battlefield4