In trang này

Nhu cầu đặt đồ ăn, thức uống qua mạng tăng 10-30% sau lệnh hạn chế bán tại chỗ

Nhu cầu đặt đồ ăn, thức uống qua mạng tăng 10-30% sau lệnh hạn chế bán tại chỗ

Nhu cầu đặt đồ ăn, đồ uống, thực phẩm qua mạng tăng lên trước tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát. Tại TPHCM, trong tuần qua số lượng đơn đặt hàng trực tuyến, đơn mua mang về tăng khoảng 10-30% so với trước đây.

Những ngày qua trước yêu cầu hạn chế bán tại chỗ thực phẩm, đồ ăn, đồ uống, khuyến khích mua mang về, đặt mua trực tuyến… để phòng chống dịch Covid-19 thì nhu cầu đặt hàng online của người dân bắt đầu tăng lên. Ghi nhận tại nhiều hàng quán bán đồ ăn, thức uống tại TPHCM cho thấy các đơn đặt hàng mua mang về có tăng lên so với trước đây. Các shipper cũng bận rộn hơn khi đơn đặt hàng của người dân nhiều hơn.

Bà Huỳnh Trang Nhi, chủ một nhà hàng tại quận 10 TPHCM, cho biết: “Do nhà hàng mới mở cửa gần đây lại trùng với đợt Covid-19 nên chưa chuẩn bị kịp cho khâu bán hàng online hay đăng ký làm đối tác với các ứng dụng đặt hàng trực tuyến. Tuy vậy, nhà hàng vẫn tổ chức bán đồ ăn cho khách hàng mang về hay khách đặt qua mạng. Trước mắt là giao hàng cho người quen đặt hàng mua mang về cũng như khuyến khích khách hàng khi đến nhà hàng nên mua mang về nếu tiện cho khách hàng”.

Tại TPHCM, nhân viên một số quán cà phê, quán phở, hủ tiếu... cũng cho biết lượng người mua mang về hay đặt mua qua các app những ngày qua đều tăng lên so với trước đây.

Theo nhiều quán ăn, quán cà phê, hộ kinh doanh ăn uống nhỏ lẻ... tại TPHCM thì khoảng một tuần nay số lượng đơn đặt hàng trực tuyến, đơn mua mang về tăng khoảng 10-30% so với trước đây.

Nhiều quán ăn, nhà hàng cũng nhanh chóng triển khai đăng ký làm đối tác của các dịch vụ như Grabfood, Baemin, Gofood, Now... để có thể cung cấp cho khách hàng qua hình thức đặt hàng trực tuyến dễ dàng hơn.

Ông Toàn, một shipper tại quận 6, TPHCM cho biết: “So với trước đây, hiện nay nhu cầu của khách đặt mua mang về, đặt qua app tăng cao hơn nhiều sau khi có yêu cầu ngưng bán tại chỗ. Do lượng người đặt mua tăng lên nhiều nên có lúc shipper phải chờ từ 45 phút đến 1 giờ đồng hồ mới lấy được hàng. Nhiều shipper phải ngưng chạy vì không thể chờ quá lâu tại một chỗ khi đơn đặt hàng tăng lên quá cao. Nhìn chung là so với trước đây thì hiện nhu cầu mua mang về, đặt hàng qua app, qua mạng tăng cao hơn nhiều”.

Ông Phạm Lê Tuấn Kiệt - Giám đốc Phát triển kinh doanh GoFood (Gojek), cho biết: “trên GoFood, tình hình đặt món ăn trực tuyến vẫn duy trì ổn định thời gian gần đây. Một số nhà hàng đóng cửa do nằm trong khu vực bị ảnh hưởng nhưng nhu cầu của người dùng vẫn cao nên lượng đơn hàng trung bình mỗi tháng vẫn trên đà tăng”.

Còn đại diện Baemin Việt Nam cho biết: “Những ngày qua số đơn hàng Baemin tại TPHCM có tăng nhẹ. Chúng tôi nhận thấy khách hàng quen với điều chỉnh, thích ứng trong tình hình mới từ các đợt dịch và giãn cách trước, nên cũng không có tăng, giảm đột biến”.

Gojek cũng chủ động theo dõi thông tin từ các cơ quan kiểm soát bệnh tật để có những hành động kịp thời như tạm ẩn các nhà hàng trong khu vực bị ảnh hưởng trực tiếp và phối hợp với các cơ quan chức năng, bao gồm việc thông báo cho tài xế, nhà hàng, và người dùng khi họ trong vùng bị ảnh hưởng.

Baemin cũng cho hay đã chú trọng đẩy mạnh hỗ trợ qua các kênh trực tuyến, giảm tương tác trực tiếp và hỗ trợ các tài xế Baemin tại Đà Nẵng đi xét nghiệm gần đây.

Theo số liệu nghiên cứu, doanh thu của mảng giao nhận đồ ăn trực tuyến tại Việt Nam dự kiến đạt 377 triệu đô la Mỹ trong năm 2021 và đạt 557 triệu đô la Mỹ vào năm 2024 với tốc độ tăng trưởng gần 14%.

Nền kinh tế số tại Việt Nam còn nhiều dư địa tăng trưởng. Theo một báo cáo của Google và Temasek năm 2020, cứ ba người dân thì có một người mới lần đầu tiên sử dụng các dịch vụ số kể từ khi có Covid-19, và 94% những người mới này đều có ý định tiếp tục sử dụng các dịch vụ số sau khi đại dịch qua đi.

 

Đánh giá bài này
(0 bình chọn)
Đã xem 1447 lần
PHÒNG TCHC

Chào mừng quý vị đã ghé thăm website của chúng tôi. Mọi thắc mắc và phản ánh xin vui lòng liên hệ với bộ phận Quản trị - Phòng Kinh tế tổng hợp (Email: info@mascopex.com)

Mới nhất từ PHÒNG TCHC

история кинематографа
Battlefield4