In trang này

Tỷ giá biến động 1,5%, doanh nghiệp xuất nhập khẩu “kẻ cười, người khóc”

Tỷ giá biến động 1,5%, doanh nghiệp xuất nhập khẩu “kẻ cười, người khóc”

So với USD, VND tăng giá khoảng gần 1,5% kể từ đầu năm đến nay. Thậm chí đà giảm của USD được dự báo là chưa dừng và có thể xuống 22.525 đồng/USD vào cuối năm nay. Tỷ giá giảm tác động không nhỏ tới các doanh nghiệp xuất khẩu, ngược lại doanh nghiệp nhập khẩu lại đang hưởng lợi “kép” từ lãi suất và tỷ giá giảm.

Theo dõi các diễn biến tỷ giá thời gian qua có thể thấy, trong khi các đồng tiền tại các nước mới nổi ở Châu Á có diễn biến giảm giá so với USD thì VND lại lên giá từ đầu năm đến nay.

Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán Bảo Việt, đồng USD có xu hướng tăng trở lại, 4,77% so với cuối năm 2020, tăng giá so với phần lớn các đồng tiền tại các nước mới nổi ở châu Á.

Tuy nhiên, so với VND, đồng USD lại đang mất giá khoảng gần 1,5% kể từ đầu năm đến nay. Thậm chí đà giảm của USD được dự báo là chưa dừng và có thể xuống 22.525 đồng/USD vào cuối năm nay – theo HSBC.

Trao đổi với Dân Việt, đại diện của một doanh nghiệp nhập khẩu cho biết, khác với những năm trước đây, tỷ giá giảm là lợi thế của các doanh nghiệp nhập khẩu.

"Năm nay tỷ giá thấp, tỷ giá xuống đến mức 22.700 VND/USD trong lần giao dịch gần nhất của doanh nghiệp. Rất có lợi cho doanh nghiệp chuyên nhập khẩu hàng hóa như chúng tôi, vì khi quy đổi sang tiền đồng, doanh nghiệp sẽ mất ít hơn", vị đại diện doanh nghiệp chia sẻ.

Hơn nữa, cũng theo vị này số tiền doanh nghiệp "tiết kiệm" được nhờ tỷ giá giảm bù được "kha khá" cho khoản phí tăng từ vận tải.

Theo tính toán của doanh nghiệp, chi phí logistic của doanh nghiệp tăng 30%- 40%, tuy nhiên khoản chi phí này được bù đắp bởi tỷ giá giảm, vì vậy chi phí tổng thể không tăng, kết quả cuối cùng lợi nhuận của doanh nghiệp không bị suy giảm.

Chưa kể, mặt bằng lãi suất thấp cũng đang là yếu tố thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu, hay nói cách khác doanh nghiệp nhập khẩu đang "lợi đơn, lợi kép" từ chính sách tỷ giá và lãi suất.

Ngược lại, lợi cho xuất khẩu sẽ là bất lợi cho nhập khẩu. Chia sẻ với PV Dân Việt đại diện Tổng công ty May Hưng Yên cho biết, các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa đang bị "đắt" do tỷ giá giảm.

Đại diện doanh nghiệp này cho biết, doanh nghiệp ông xuất khẩu 1 triệu USD hàng hóa, tỷ giá giảm như trong hiện nay khiến cho doanh nghiệp mất 600 triệu đồng. Hiện nay, May Hưng Yên mỗi năm gia công khoảng 200 triệu USD đã mất khoảng 13 tỷ đồng - một con số rất lớn trong bối cảnh chi phí logistic tăng mạnh và các chi phí khác liên quan đến phòng chống dịch bệnh đang là gánh nặng đối với doanh nghiệp.

Việc giữ tỷ giá ở mức bình quân như năm 2020 là trên 23.000 đồng/USD sẽ giữ cho doanh nghiệp xuất khẩu đỡ được các gánh nặng chi phí khác, còn tiền đồng tăng giá như hiện nay đang làm khó các doanh nghiệp xuất khẩu.

Cùng quan điểm, ông Thân Đức Việt - Tổng giám đốc Công ty May 10 nhận định, tỷ giá ổn định tạo ra sự ổn định kế hoạch tài chính và dòng tiền cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, thời gian qua tỷ giá ổn định trên đà đồng Việt Nam tăng giá thì đối với đơn vị xuất khẩu như May 10 lại là điều không tốt, ngược lại các đơn vị nhập khẩu đang được hưởng lợi.

Tỷ giá có giảm bất thường?

TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia kinh tế cũng phải thừa nhận, diễn biến của tỷ giá USD/VND có vẻ hơi "bất thường một chút" so với những năm trước khi VND tăng giá 1,5% so với đồng USD, trong khi đó đồng USD tăng giá so với nhiều đồng tiền khác trên thế giới.

"Trong những năm qua, thông thường đồng nội tệ của Việt Nam thường mất giá khoảng 1- 2% so với USD. Đặc trong bối cảnh kinh tế của chúng ta là tương đối xấu trong 9 tháng đầu năm nhưng VND lại lên giá, phải chăng đây là yếu tố bất lợi, yếu tố này cần phải được đưa ra xem xét và cân nhắc kỹ lưỡng hơn", ông Lực đặt vấn đề.

Theo ông Lực, tỷ giá giảm do các nguyên nhân chính như cân đối về quan hệ cung cầu về ngoại tệ của Việt Nam vẫn tương đối ổn mặc dù có nhập siêu ngược lại giải ngân FDI và kiều hối vẫn tăng trưởng tích cực; Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh cách thức điều hành tỷ giá, thay vì thực hiện mua ngoại tệ có kỳ hạn như hồi tháng 1/2021 thì đến tháng 8, Ngân hàng Nhà nước thôi không mua kỳ hạn để thị trường điều tiết, và cũng là cam kết với Mỹ rằng Việt Nam không thao túng tiền tệ - theo ông Lực.

"Tỷ giá là con dao 2 lưỡi, khi tỷ giá giảm tức là VND tăng giá sẽ gây bất lợi cho nhà xuất khẩu. Khi đó, hoạt động xuất khẩu chậm lại và ngược lại, nhà nhập khẩu có lợi; từ đó, làm tăng nhập siêu. Điều đáng nói, khi kinh tế gặp khó khăn, ngân hàng các nước sẽ có động thái giảm giá đồng tiền của nước mình để tăng tính cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu; điều này đặc biệt đúng với các nền kinh tế phụ thuộc xuất khẩu và vốn FDI như Việt Nam. Như vậy, việc VND tăng giá 1,5% từ đầu năm đến nay rõ ràng là không có lợi cho nền kinh tế", chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nói với Dân Việt.

Nguồn: danviet.vn

 

Đánh giá bài này
(0 bình chọn)
Đã xem 1194 lần
PHÒNG TCHC

Chào mừng quý vị đã ghé thăm website của chúng tôi. Mọi thắc mắc và phản ánh xin vui lòng liên hệ với bộ phận Quản trị - Phòng Kinh tế tổng hợp (Email: info@mascopex.com)

Mới nhất từ PHÒNG TCHC

история кинематографа
Battlefield4