Việt Nam hiện là quốc gia xuất khẩu cà phê đứng thứ 2 thế giới. Tuy nhiên, quá trình sản xuất cào bằng, các loại cà phê tốt, xấu đều được thu mua ngang giá nên đã dẫn đến tình trạng cà phê kém chất lượng và giảm giá như hiện nay.
Chính vì vậy, việc thúc đẩy sản xuất cà phê hướng đến chất lượng đang được chính quyền địa phương, doanh nghiệp và các nhà nhập khẩu đề xuất nhiều nhất.
Tái canh để nâng cao chất lượng
Theo ông Lê Văn Đức, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, cả nước có hơn 650.000ha cà phê, tập trrung chủ yếu ở các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Bình Phước…; trong đó, diện tích cần phải tái canh và ghép cải tạo để nâng cao chất lượng cà phê là 200.000 ha.
Cho đến cuối tháng 12/2015, các tỉnh Tây Nguyên và Bình Phước đã tái canh, ghép cải tạo được hơn 61.000ha. Tỉnh Lâm Đồng thực hiện hơn 22.000ha, Đắk Lắk hơn 15.000ha, Đắk Nông hơn 6.000ha, riêng Tổng công ty cà phê Việt Nam thực hiện hơn 11.000ha.
Tái canh và ghép cải tạo vườn cà phê là vấn đề lớn đối với cả nông dân lẫn doanh nghiệp. Nó đòi hỏi phải đầu tư kỹ thuật, vốn lớn nhưng rủi ro cao. Thế nhưng, trước thực tế nhiều vườn cà phê già hiện nay bắt buộc phải thực hiện bước này mới có thể cung cấp nguồn nguyên liệu chất lượng cho doanh nghiệp xuất khẩu cà phê.
Để khâu tái canh và ghép cải tạo các vườn cà phê tốt hơn, các hộ nông dân và doanh nghiệp trồng cà phê phải nắm vững thông tin các loại giống cà phê cao sản. Riêng với các hộ nông dân, ngành nông nghiệp địa phương phải hướng dẫn họ kỹ thuật cũng như cách thức vay vốn để tái canh và đầu tư.
Trong thời gian qua, Hiệp hội cà phê cacao Việt Nam đã hỗ trợ gần 20 tấn hạt giống và hơn 560.000 cây cà phê vối lai cao sản TRS1 cho hàng ngàn hộ nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã của 5 tỉnh Tây Nguyên. Riêng Công ty Nestle Việt Nam cho đến cuối năm 2015 cũng đã hỗ trợ 11 triệu cây cà phê giống cho các hộ nông dân khu vực Tây Nguyên - ông Nguyễn Nam Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội cà phê Cacao Việt Nam cho biết.
Ngân hàng Thế giới (World bank) cũng có dự án hỗ trợ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam.
Theo ông Chris Jackson, chuyên gia chính về phát triển nông thôn của Ngân hàng Thế giới, kinh phí của dự án này sẽ giúp cải thiện canh tác và tập quán canh tác, thúc đẩy kế hoạch tái cơ cấu nông nghiệp là 238 triệu USD. Dự án tập trung vào phát triển cây lúa và cây cà phê. Một phần kinh phí sẽ hỗ trợ cho 62.000 hộ trồng cà phê tại 12 huyện sản xuất cà phê lớn nhất của 5 tỉnh Tây Nguyên.
Theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, tái canh cà phê sẽ giúp Việt Nam đẩy mạnh chất lượng cà phê hơn nữa, theo kịp với tốc độ tái canh của các quốc gia xuất khẩu cạnh tranh với cà phê Việt Nam hiện nay. Để việc tái canh thuận lợi hơn, phía ban điều phối cũng phối hợp với Tổ chức cà phê thế giới (ICO) để học hỏi kỹ thuật tái canh, phổ biến cho các hộ nông dân sản xuất cà phê.
Phân loại cà phê ngay từ đầu
Bên cạnh việc tái canh cây cà phê để nâng cao năng suất và chất lượng thì các khâu khác trong chuỗi sản xuất cà phê cũng cần được đầu tư.
Theo ông Lê Ngọc Báu, Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI), thương lái và doanh nghiệp phải thay đổi phương thức thương mại để thúc đẩy nhà nông hướng tới thu hoạch cà phê theo đúng chất lượng mà doanh nghiệp yêu cầu.
Hiện nay hầu hết các doanh nghiệp thu mua cào bằng các loại cà phê, làm cho nông dân chỉ chú trọng đến lợi nhuận, mà không quan tâm đến chất lượng cà phê. Cụ thể, với cà phê chín, nông dân chỉ có thể thu hoạch bằng một nửa cà phê xanh, non, thì nhà thu mua phải mua với giá gấp đôi.
Còn cà phê xanh, non, nông dân lại thu hoạch gấp đôi cà phê chín. Nếu bán ngang giá nhau thì không ai chọn cách chờ trái chín mới thu hoạch.
Mặt khác, trong chế biến cà phê, phần thất thoát nằm ở khâu mua, bán không cân đối. Vì vậy, các nhà xuất khẩu phối hợp lại để xây dựng nhà máy chế biến và phân loại các hạt nguyên chất lượng cung cấp cho xuất khấu, với hạt đen, nâu, hạt sâu hoặc hạt vỡ để làm mặt hàng giá trị gia tăng, cung cấp cho thị trường nội địa, xóa lỗ thủng mặt hàng giá trị gia tăng ở thị trường nội địa.
Ngành cà phê cũng chỉ có thông số hạt vỡ hiện nay là 5%, vì vậy cũng cần có quy chuẩn phân loại hạt tốt, hạt xấu. Khi phân loại được chất lượng hạt cà phê và có quy chuẩn cụ thể thì ngành cà phê cũng sẽ khắc phục dần tình trạng cà phê bột tràn lan không có quy chuẩn hoặc quy chuẩn pha trộn các loại đậu nành, bắp (ngô) rang và các loại hóa chất cung cấp tại thị trường nội địa, ông Nguyễn Úc, Chủ tịch Hợp tác xã nông nghiệp Thịnh Phú, Đắk Lắk chia sẻ.
Bên cạnh đó, khi phân loại chất lượng tốt hơn thì ngành cà phê Việt Nam sẽ tạo uy tín hơn nữa với thị trường và các doanh nghiệp nhập khẩu. Với các thị trường tiêu thụ cà phê lớn của Việt Nam như Đức, Mỹ, Italy, Tây Ban Nha, Bỉ, cà phê nguyên chất, không có sự pha trộn mới là cà phê chất lượng.
Vì vậy, các hộ nông dân tự phân loại chất lượng hạt ngay từ đầu sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho phía doanh nghiệp, vừa tiết kiệm kinh phí kiểm tra, thử nghiệm, vừa tiết kiệm thời gian mà lợi nhuận nông dân thu được cũng sẽ cao hơn, ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Intimex cho biết.
Hồng Nhung (TTXVN / Vietnam+)
Tây Nguyên đang đối mặt với tình trạng khô hạn khốc liệt, thiếu nước sản xuất ngày càng trầm trọng khiến năng suất cây trồng giảm sút.
Tây Nguyên là một trong những vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của cả nước, với nhiều loại nông sản hàng hóa có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, vùng đất ba-zan màu mỡ này đang đối mặt với tình trạng khô hạn khốc liệt, thiếu nước sản xuất ngày càng trầm trọng. Bên cạnh sự tác động của biến đổi khí hậu thì nguyên nhân chính là do con người. Thủy lợi đối với Tây Nguyên đang là một vấn đề vừa cấp bách vừa mang tầm chiến lược lâu dài.
Thời điểm này, người trồng cà phê ở Tây Nguyên vừa thu hoạch vừa tất bật lo nước tưới cho mùa khô. Ông Lê Quang ở thôn 23, xã Ea Ninh, huyện Chư Kuin, tỉnh Đắk Lắk có 0,5 ha cà phê trồng xen hồ tiêu. Mặc dù đã nỗ lực tìm nguồn nước tưới cứu cây trồng, nhưng năng suất cà phê và hồ tiêu đều giảm sút.
Ở vùng trọng điểm trồng cà phê của tỉnh Đắk Lắk, ông Nguyễn Anh Hào - Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp Công Bằng, thuộc xã Cư Dlêi M’nông, huyện Chư M’gar cũng chung nỗi lo thiếu nước tưới, dù mùa khô chỉ mới bắt đầu.
“Cà phê thì phải tưới nước mùa khô, có những vùng thiếu nước trầm trọng. Theo dự báo, tới đây sẽ là năm hạn hán, nỗi lo của bà con thiếu nước. Những năm trước thì bà con tưới suối, tưới hồ, nhưng hiện nay diện tích rất lớn, kể cả trên đồi cao, lượng nước rất thiếu. Bà con đào giếng để tưới, nhưng dần dần giếng cạn, bà con khoan sâu xuống 70 - 80 m, chắc chắn những năm tiếp theo nguồn nước sẽ thiếu,” ông Hào nói.
Hồ Đắc Yên - Kon Tum cũng trơ đáy
Theo UBND tỉnh Đắk Lắk, năm nay có hơn 80.000 ha cây trồng các loại bị hạn, trong đó gần 15 nghìn ha mất trắng, thiệt hại khoảng 2.100 tỷ đồng, hàng chục nghìn hec-ta cà phê và hồ tiêu bị ảnh hưởng lâu dài. Là vùng trồng cây công nghiệp chủ lực có giá trị kinh tế cao như cà phê và hồ tiêu, tỉnh Gia Lai cũng bị thiệt hại nặng nề do hạn hán. Không chỉ nông dân gặp khó khăn, mà ngay cả doanh nghiệp có điều kiện chủ động hồ đập như Công ty TNHH MTV Cà phê Ia Grai cũng điêu đứng vì nắng hạn.
Ông Nguyễn Đại Ngọc, Giám đốc Công ty này cho biết: “Tôi công tác tại Tây Nguyên 35 năm rồi và lịch sử chưa có năm nào hạn hán khốc liệt như năm nay. Chúng tôi có 11 cái hồ thì hiện nay đều tình trạng trơ đáy. Đây là chứng minh nhất cho biến đổi khí hậu, khi mà nhiệt độ tăng lên, còn lượng mưa giảm dần đi so với các năm trước đây”.
Còn ông Hoàng Phước Bính, gần 30 năm gắn bó với thủ phủ hồ tiêu Chư Sê, tỉnh Gia Lai chia sẻ: “Vụ mùa 2014-2015, do yếu tố khách quan là thời tiết, khí hậu bất thường nên năng suất giảm. Chúng tôi theo dõi cây hồ tiêu đã gần 30 năm, nhưng năm nay là năm năng suất thấp nhất trong mấy chục năm qua. Trung bình năng suất giảm đến 30-40%, có nhiều vườn tiêu giảm đến 60-70%.”
Không chỉ hạn hán mùa khô, mà vài năm nay, Tây Nguyên còn thiếu nước cả giữa mùa mưa. Tháng 6 năm nay là vào mùa mưa, nhưng công trình đại thủy nông Ayun Hạ - hồ thủy lợi lớn nhất Tây Nguyên (có dung tích 253 triệu mét khối) cạn đến mực nước chết, khiến hàng chục nghìn ha lúa nước, mía, sắn và hoa màu ở khu vực Đông Nam Gia Lai bị ảnh hưởng, tổng thiệt hại hơn 150 tỷ đồng.
Ở cực Nam Tây Nguyên, hai huyện Cát Tiên và Đạ Tẻ là vựa lúa của tỉnh Lâm Đồng, trước đây là rốn lũ, hàng năm được bù đắp phù sa màu mỡ, nhưng năm nay khô khát vì nước sông Đồng Nai giảm sâu, các trạm bơm công suất lớn cũng trơ vòi. Mực nước ở hầu hết các hồ chứa trên địa bàn đều tụt giảm từ một đến vài mét.
Nông dân Tây Nguyên nỗ lực tìm nguồn nước tưới cho cà phê.
Tình hình ở 2 tỉnh Đắk Nông và Kon Tum cũng tương tự. Riêng Đắk Nông có hơn 500 ha lúa thiếu nước, khoảng 21.000 ha cà phê và hồ tiêu bị ảnh hưởng. Vụ hè thu vừa rồi, gia đình bà Phạm Thị Huê ở xã Quảng Phú, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông trồng 1 hec-ta ngô nhưng không có thu hoạch vì nắng hạn. Mùa khô tới, chị lại lo 1 hacà phê và 6 sào ruộng không có nước tưới, có khi phải bỏ cà phê.
Theo dự báo, thời gian tới Tây Nguyên tiếp tục đối mặt với tình hình khô hạn gay gắt. Lượng mưa sẽ thấp hơn so với trung bình nhiều năm từ 20 - 40%, vì vậy dòng chảy trên các sông suối sẽ thiếu hụt tương ứng.
Ông Y Đhăm Ênhuôn - Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, tỉnh này dự kiến cắt giảm hơn 5.000 ha lúa và cây trồng ngắn ngày, hơn 10.000 ha phải chống hạn cuối vụ. Nhưng đối với khoảng 250.000 ha cà phê và hồ tiêu thì không có giải pháp nào khả thi.
Thiệt hại do khô hạn ở Tây Nguyên không thể tính hết bằng tiền, bởi không chỉ là mất mát trước mắt mà còn khó khắc phục, đối phó về lâu dài. Cùng với hệ thống sông lớn, trải dài và rộng khắp, Tây Nguyên còn nổi tiếng bởi đại ngàn rừng xanh, thác hồ hùng vĩ, lại được Nhà nước đầu tư hàng nghìn công trình thủy lợi, nhưng vì sao vùng đất ba-zan màu mỡ này phải đối mặt với khô khát quay quắt?./.
(Nông Nghiệp ngày nay)
Ngày 30/09/2015 vừa qua , Thủ tướng Chính phủ đã chính thức ban hành Quyết định 1684/QĐ-TTg, phê duyệt “Chiến lược hội nhập kinh tế Quốc tế ngành Nông nghiệp & PTNT, tập trung vào 11 ngành hàng nông sản lớn . Ngành hàng cà phê được nằm trong danh sách này. Đó cũng là thuận lợi nhưng cũng đòi hỏi sự bứt phá mạnh hơn về chất trong thời gian tới đối với ngành cà phê Việt Nam.
Theo đó, Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 Thế giới nói chung và đứng thứ nhất về xuất khẩu cà phê Robusta. Cà phê của Việt Nam xuất khẩu sang một số thị trường chính như EU, Hoa Kỳ, các nước Đông Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc) và ASEAN.
Các giải pháp chung thúc đẩy phát triển thị trường cà phê:
Xúc tiến kêu gọi đầu tư và công nghiệp chế biến, kết nối chế biến với tiêu thụ thông qua hình thức liên doanh liên kết, đảm bảo kết nối kênh tiêu thụ thông qua tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng cà phê vào các thị trường này.
Thu hút đầu tư liên doanh, liên kết phát triển chế biến cà phê tại Việt Nam nhằm đáp ứng nhu cầu thị hiếu tiêu dùng của nước nhập khẩu.
Xúc tiến các chương trình hợp tác quảng bá thương hiệu và văn hóa cà phê Việt, tham gia các chuỗi cung ứng tại các quốc gia này.
Các giải pháp cụ thể thúc đẩy thị trường cà phê:
EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc: Là các thị trường truyền thống của Việt Nam, chiếm tới ½ tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu cà phê trong những năm gần đây, tiêu dùng cà phê lớn và ổn định nhưng lại yêu cầu khá khắt khe về tiêu chuẩn và chất lượng sản phẩm. Để củng cố thị trường tiêu thụ truyền thống này, cần tập trung vào việc xây dựng hệ thống thông tin sản phẩm, tiêu chuẩn kỹ thuật, kết nối thông tin từ vùng sản xuất (được chứng nhận xuất xứ theo tiêu chuẩn quốc tế như 4C, Rainforest Alliance, UTZ Certificated) đến thị trường tiêu thụ cuối cùng (bao bì, đóng gói,....)
ASIAN và Trung Quốc: Thiết lập quan hệ giữa các doanh nghiệp (B2B), xây dựng chuỗi giá trị kết nối trực tiếp sản xuất-tiêu thụ; Xúc tiến đàm phán xây dựng các hệ thống bán lẻ cho cà phê Việt Nam tại các quốc gia này.
(Phòng KTTH tổng hợp và sưu tầm)
Giá cà phê giảm thời gian qua khiến nông dân, doanh nghiệp ghìm hàng chờ tăng giá. Tuy nhiên, mùa thu hoạch cà phê mới đã đến, nhiều chuyên gia cảnh báo, nguồn cung cà phê sẽ tăng mạnh, giá có thể giảm sâu hơn.
đầu năm 2015, xuất khẩu cà phê ước đạt 961 nghìn tấn với tổng giá trị 1,96 tỷ USD, giảm 31,2% về khối lượng và giảm 32,2% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Giá cà phê xuất khẩu bình quân 8 tháng đầu năm 2015 đạt 2.054 USD/tấn, giảm 0,23% so với năm 2014.
Dự báo của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF): Giá cà phê Robusta năm 2016 giảm 10% so với năm 2015. Ngoài ra, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng cho rằng, so với năm 2015, giá cà phê Robusta sẽ giảm 3% vào năm 2016, 5% năm2017, giảm sâu 13% trong năm 2020.
Nhiều chuyên gia e ngại: Giá cà phê giảm, nông dân, doanh nghiệp ghìm hàng không bán, dễ dẫn tới việc hàng tồn kho tăng cao. Lượng cà phê chưa bán tăng mạnh so với mức dự trữ năm 2014 khi giá không đạt kỳ vọng đã ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu cà phê của Việt Nam.
Ông Đoàn Triệu Nhạn - Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao - nhận định: Hiện đã sang vụ mới (tháng 10 bắt đầu hái), trong khi lượng cà phê niên vụ cũ vẫn còn nhiều trong kho, giá lại giảm. Có thể thấy thị trường cà phê quá ảm đạm và tương lai không mấy sáng sủa. Do đó, bên cạnh xuất khẩu, Việt Nam cần phải xây dựng chiến lược phát triển thị trường nội địa, muốn tiêu thụ tại thị trường trong nước phải đẩy mạnh chế biến.
Cũng theo ông Nhạn, Việt Nam đang chủ trương đẩy mạnh chế biến cà phê ướt, điển hình như Công ty Thắng Lợi chế biến cà phê ướt cho Nhật Bản. Tuy nhiên, phải có chiến lược bài bản trong chế biến bởi nếu không, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nên xem lại chiến lược tiêu thụ sản phẩm, tính toán xem sản phẩm xuất khẩu bao nhiêu, tiêu thụ trong nước bao nhiêu?
Về thị trường tiêu thụ, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn (ISPARD) - lo ngại: Hàng năm, Việt Nam xuất khẩu khoảng 1,5 triệu tấn cà phê, trong khi đó, tiêu thụ trong nước chỉ chiếm 5%. Hiện có 3 đơn vị chế biến lớn gồm: Vincafe Biên Hòa, Nestle, Trung Nguyên nhưng sản lượng tiêu thụ trong nước cũng không nhiều.
Trước việc găm hàng, chờ giá tăng, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cho rằng, với trữ lượng cà phê hiện nay, đây là điều rất nguy hiểm. Doanh nghiệp cần hết sức thận trọng trong bán hàng bởi có khi bán lỗ ít còn hơn bán lỗ nhiều. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nên xem xét, cảnh báo cho doanh nghiệp, nông dân trong việc dự trữ cà phê bởi mặt hàng này đang dư cung và giá có thể giảm trong những năm tới. Doanh nghiệp, người nông dân cũng phải đẩy mạnh tái canh cà phê theo tiến độ hợp lý, bắt kịp với mức độ tái canh của những nước xuất khẩu lớn.
Lượng cà phê chưa bán tăng mạnh so với mức dự trữ năm 2014 khi giá không đạt kỳ vọng đã ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu cà phê của Việt Nam.
Nguyễn Hạnh (Báo Công Thương)
Ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10) hàng năm là ngày mà chúng ta tôn vinh các bà, các mẹ, các chị em gái... những người phụ nữ quan trọng trong cuộc sống của chúng ta.
Hưởng ứng ngày 20/10 năm nay, Ban chấp hành Công đoàn Công ty CP XNK cà phê Intimex Nha Trang đã tổ chức “Hội thi nấu ăn chào mừng ngày phụ nữ Việt Nam 20/10” nhằm thể hiện nét đẹp văn hóa và truyền thống “khéo tay hay làm” của chị em phụ nữ Văn phòng Công ty trong thời kỳ mới.
Các phòng ban nghiệp vụ tham dự Hội thi được chia thành 03 đội: Đội Kinh doanh XNK, liên quân Tài chính kế toán+Kinh tế tổng hợp và Đội Tổ chức hành chính. Mỗi đội sẽ tiến hành thi nấu hai món.Với sự góp mặt không thiếu phần quan trọng của các thành viên trong Ban giám khảo: Bà Đỗ Thị Chiên, Ông Trần Ngọc Ni, Bà Phạm Thị Thảo và Bà Nguyễn Thị Thu.
Tại cuộc thi, mỗi món ăn các đội thể hiện đều mang đậm hương vị, phong tục, nét riêng văn hóa ẩm thực của Việt Nam. Các món không chỉ được trình bày đẹp, chất lượng mà còn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Điều khác biệt trong Hội thi năm nay đó là các đầu bếp chính đều là anh em văn phòng Công ty, qua đây là dịp để các anh trổ tài nấu nướng, bày tỏ tình cảm thân thương, quý trọng và chia sẻ, gánh vác trách nhiệm cùng chị em phụ nữ - những người vốn được coi là “Một nửa của Thế giới”. Hội thi đã diễn ra thành công, tốt đẹp và để lại nhiều ấn tượng sâu sắc.
Dưới đây là một số hình ảnh & video clip của Hội thi:
Ban giám khảo chụp ảnh lưu niệm với các đầu bếp của Hội thi
Quang cảnh chuẩn bị cho màn đọ sức “Tuyệt đỉnh tranh tài”
Ban giám khảo kiểm tra chất lượng của khâu “Vệ sinh an toàn thực phẩm”
Chân dung của nhà vô địch bên cạnh sản phẩm (Team Tổ chức hành chính)
Đội hình về nhì bên cạnh sản phẩm (Team Phòng Kinh Doanh)
Đội hình đầy sức nặng (Team Tài chính Kế toán) cán đích ở vị trí 3
Và sau đây là các sản phẩm dự thi của Team “Tất Cả Chúng Ta Đều Là Người Chiến Thắng”:
(Bài viết & hình ảnh: Phòng KTTH)
Gãy khúc và dao động mạnh trên đồ thị giá của thị trường cà phê từ đầu vụ đến nay đang báo hiệu sẽ có sóng to gió dữ. Xuất hiện trên thương trường nhiều hiện tượng “khiêu chiến”, nhưng liệu hạt cà phê Việt Nam liều “xông trận” hay ẩn náu chờ cơ hội như năm trước?
Dù mới ở tháng đầu tiên của niên vụ, thị trường cà phê đã vừa trải qua một cơn “bão tố” ngay ngày giao dịch cuối tuần, hôm qua 16-10 tức rạng sáng 17-10 giờ Việt Nam.
Giá hai sàn kỳ hạn cà phê tại châu Âu và Mỹ rớt thê thảm. Đóng cửa sàn kỳ hạn London, giá cà phê robusta giảm 42 đô la Mỹ/tấn trong ngày nhưng mất 15 đô la/tấn so với tuần trước (xin xem biểu đồ 1). Giá giao dịch arabica tại sàn Ice New York càng tệ hơn, mất 7,9 xu/cân Anh (cts/lb) trong ngày (tương đương gần 175 đô la/tấn) chốt tại 129,20 cts/lb và như vậy giảm 5,7 cts/lb so với cách đây 7 ngày.
Trong tuần qua, tin mưa chưa về để giúp hoa cà phê Brazil đậu trái loan truyền rất mạnh nên giúp giá đầu tuần trên các sàn kỳ hạn cà phê tăng tốt. Nhờ vậy, giá cà phê nguyên liệu nhiều nơi trên thị trường nội địa Việt Nam có cơ hội lên 36,5 triệu đồng/tấn. Nhưng chỉ trong hai ngày cuối, khi giá kỳ hạn yếu và sập mạnh, giá cà phê giao dịch sáng nay 17-10 chỉ còn ở mức 35 triệu đồng/tấn.
Yếu tố nào làm giá rớt?
Biểu đồ 1: Diễn biến giá đóng cửa trên sàn kỳ hạn robusta London (tác giả tổng hợp)
Rất có thể người ta đưa tin hạn hán tại Brazil để kinh doanh tài chính vì “hạn hán đang xảy ra, nhưng sao hai sàn kỳ hạn cà phê vẫn sập?” Một chuyên gia ngành hàng thắc mắc.
Theo ông, thị trường chao đảo mạnh, khi tăng cao, khi xuống thấp rất bất ngờ và chóng vánh (xin theo dõi biểu đồ 1) cũng còn có dụng ý tạo rủi ro cho các nhà xuất khẩu ở các nước sản xuất, loại họ ra trong giai đoạn này vì yếu tố kinh doanh tài chính hơn là kinh doanh cà phê thực.
Tuy nhiên, giá kỳ hạn cà phê rớt mạnh còn chịu ảnh hưởng bởi đồng real Brazil mất giá sau khi nước này bị hạ mức tín nhiệm đầu tư cộng với tin Colombia, nước sản xuất cà phê arabica lớn thứ nhì thế giới, quyết định cho xuất khẩu cà phê thứ và phế phẩm. Quyết định này có hiệu lực ngay. Về lâu về dài, lượng arabica chất lượng xấu này sẽ giành thị phần của robusta là loại cà phê Việt Nam thường xuất bán để chế biến cà phê hòa tan.
Nhìn lại “thế” thị trường của hạt cà phê Việt Nam
Thống kê của Tổng cục Hải quan ước trong cả niên vụ 2014-15 Việt Nam chỉ xuất khẩu 21,02 triệu bao cà phê tương đương với 1,26 triệu tấn, giảm 21,6% so với niên vụ trước và cũng là năm có lượng cà phê xuất khẩu thấp nhất tính từ năm 2010.
Dựa trên ước báo ấy, xuất khẩu hàng tháng của Việt Nam năm vừa qua chỉ dừng ở mức 105.000 tấn/tháng, giảm bình quân từ 20-30.000 tấn/tháng. Nhiều người cho rằng sở dĩ xuất khẩu giảm là do giá kỳ hạn và thị trường thấp, đặc biệt trên thị trường nội địa, giá đỉnh cao nhất trong niên vụ cũ cũng chỉ đạt 41 triệu đồng/tấn so với trước là 45-46 triệu đồng/tấn và giá thấp nhất chỉ quanh mức 34-35 triệu đồng/tấn. Một nguyên nhân quan trọng khác là giá cà phê của Việt Nam mất tính cạnh tranh do đồng tiền của các nước cạnh tranh bị phá giá mạnh khiến cà phê của họ có giá rẻ hơn trên thị trường quốc tế.
Đồng nội tệ của ba nước xuất khẩu cà phê cạnh tranh với nước ta là Brazil, Colombia và Indonesia mất giá mạnh so với đồng đô la Mỹ, có nước phá giá đến 50-70%/năm trong khi đồng tiền Việt Nam chỉ mất giá chừng 5%. Đồng nội tệ các nước sản xuất cà phê mất giá so với đồng đô la Mỹ đã kích thích nông dân các nước này bán mạnh dù giá kỳ hạn rớt nhưng thu hồi bằng đồng nội tệ của họ trên giá bán cà phê vẫn cao, thậm chí còn có lời.
Điều này được ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội Cà phê&Ca cao Việt Nam (Vicofa) xác nhận trong hội nghị giao ban xuất khẩu tại TPHCM ngày 12-10-2015 khi ông báo rằng “tỷ giá đồng real của Brazil giảm đến 70% so với đồng đô la Mỹ nên họ bán hàng ra ồ ạt khiến cà phê Việt Nam chịu ảnh hưởng không bán được”. Theo ông Nam, cà phê Việt Nam đang vào vụ mới nhưng tồn kho vẫn còn 400.000-500.000 tấn cà phê nhân.
Tồn kho tại các nước tiêu thụ
Biểu đồ 2: Tồn kho cà phê tại Bắc Mỹ 1988 đến nay (nguồn: GCA/Societe Generale)
Báo cáo ra định kỳ mới nhất của Hiệp hội Cà phê Nhân Mỹ (Green Coffee Association-GCA) cho biết rằng tính đến hết tháng 9-2015, tồn kho cà phê nhân tại các kho vùng Bắc Mỹ đạt 6.117.108 bao (60 kg x bao) hay 367.027 tấn, không tính khoảng 100.000 tấn đang trung chuyển hay đã nằm tại các xưởng chế biến, tăng gần 5.400 tấn so với cùng kỳ năm 2014. Đây cũng là mức tồn kho cao nhất tại vùng Bắc Mỹ tính từ cuối năm 2003 đến nay (xin xem biểu đồ 2).
Tồn kho cà phê tại châu Âu tính đến hết tháng 7-2015 đạt 714.566 tấn, tăng 19.392 tấn so với cùng kỳ năm 2014 và chưa tính chừng 200.000 tấn đang trung chuyển hay nằm tại các cơ sở chế biến, báo cáo của Hiệp hội Cà phê Châu Âu (European Coffee Federation – ECF) cho biết trong tuần qua.
Tại Nhật Bản, tồn kho cà phê nhân đến cuối tháng 8-2015 tăng lên mức kỷ lục, đạt 202.411 tấn, cao hơn 7% so với cùng kỳ năm 2014.
Như vậy, tổng cộng tồn kho tại các nước tiêu thụ theo thống kê thị trường biết được là 1.283.994 tấn, nếu cộng thêm 300.000 tấn đang trên đường tới các cơ sở chế biến và tại xưởng chế biến không được tính gộp vào các báo cáo trên, ta có chừng 1.600.000 triệu tấn.
Cũng cần lưu ý rằng, trong lượng tồn kho ấy, hiện có 114.000 tấn cà phê đạt chuẩn arabica thuộc sàn kỳ hạn Ice New York và 204.150 tấn đạt chuẩn thuộc sàn robusta Ice London với giá trị hàng hóa thời điểm tính trên giá niêm yết các sàn kỳ hạn ngày 15-10-2015 đạt chừng 700 triệu đô la Mỹ.
Bắc Mỹ, châu Âu và Nhật Bản là ba vùng tiêu thụ cà phê truyền thống. Các thống kê tồn kho có ảnh hưởng nhất định giá cả trên thị trường và các sàn kỳ hạn.
(Nguyễn Quang Bình - The Saigontimes)
Theo cựu giám đốc tập đoàn cà phê Neumann Kaffee Gruppe, cà phê robusta có thể sẽ vượt arabica nhờ sản lượng và nhu cầu tiêu thụ tăng.
Ông Michael Neumann cho biết, thị phần cà phê robusta đã tăng lên 45% tính đến thời điểm hiện tại của năm 2015, từ mức 13% ghi nhận vào năm 1950. Dự báo đến năm 2030, cà phê robusta sẽ tiếp tục tăng, chiếm 55%sản lượng toàn cầu. Với tốc độ tăng trưởng như vậy, cà phê robusta được cho là có thể đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ ngày càng lớn của thế giới - dự báo đạt 200 triệu bao đến cùng kỳ. Hiện tại, nhu cầu tiêu thụ cà phê của thế giới vào khoảng 50 triệu bao.
Thị trường cà phê ngày càng phát triển theo đà tăng của dân số thế giới. Cà phê dần trở thành thức uống không thể thiếu đối với đại bộ phận người dân và nhu cầu uống cà phê được dự báo sẽ tăng lên 1,43 kg/người trong vòng 15 năm nữa, từ mức 1,2 kg/người hiện nay.
Những yếu tố vĩ mô
Gần đây, thị phần cà phê robusta trong thương mại cà phê toàn cầu tăng mạnh, một phần nhờ loại cà phê này đã được một số nước, như Việt Nam, đưa vào trồng đại trà. Việt Nam với tỷ giá ngoại tệ ổn định giúp làm giảm biến động giá trong hoạt động mua - bán, từ đó ít tác động tới lợi ích của người trồng cà phê. Việt Nam hiện là nước sản xuất cà phền lớn thứ 2 thế giới sau khi được Ngân hàng Thế giới khuyến khích đưa loại cà phê robusta vào trồng ở các đồn điền lớn.
Trong khi đó, một số khu vực sản xuất cà phê arabica lớn trên thế giới, như Trung Mỹ hay châu Phi, lại đang rơi vào khủng hoảng, khiến thị trường cà phê arabica cũng suy yếu theo. Điều này càng tạo ra khoảng cách lớn giữa hai loại cà phê robusta và arabica, theo bài phát biểu của ông Neumann tại Diễn đàn cà phê toàn cầu ở Milan.
Hơn nữa, những người trồng và rang cà phê vừa tìm ra cách để cải thiện đáng kể chất lượng của loại cà phê robusta. Trước đây, robusta luôn bị xem là loại cà phê kém chất lượng hơn arabica.
Lợi thế tăng trưởng
Xét về mặt tài chính, robusta cũng có lợi thế hơn arabica bởi chi phí sản xuất cà phê robusta đang giảm đáng kể, ông Neumann cho biết.
Một người trồng cà phê arabica thông thường sẽ trồng được khoảng 3.000 cây cà phê/hecta với năng suất vào khoảng 1,5 tấn - 2 tấn/hecta. Trong khi đó, cà phê robusta cho năng suất 2,5 tấn - 4 tấn/hecta trên diện tích nhỏ hơn khoảng 1.000 cây - 1.500 cây/hecta.
Như vậy, chi phí sản xuất cà phê robusta rẻ hơn 1.300 USD/tấn so với chi phí sản xuất arabica, ông Neumann tính toán.
Áp lực từ nhu cầu
Nhu cầu uống cà phê ngày càng tăng mạnh, từ mức 30 triệu bao, tương đương 0,88kg/người ghi nhận vào năm 1950. Nguyên nhân một phần nhờ hoạt động tái thiết lại châu Âu sau Thế chiến thứ II trong khi sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết lại giúp mở ra nhiều thị trường.
"Châu Á trở thành khu vực tiêu thụ cà phê hàng đầu thế giới và các nước sản xuất cà phê bắt đầu khám phá ra cách pha chế thức uống cà phê", ông Neumann cho biết.
Từng giữ chủ tịch của một tập đoàn cà phê lớn, ông Neumann luôn trăn trở về phương pháp để cải thiện tính cạnh tranh của cà phê và nâng cao mức sống của người nông dân trồng cà phê. Trong thời kỳ tại chức, ông Neumann đã mua lại công ty đối thủ - Bernhard Rothfos vào năm 1988 và hình thành lên tập đoàn Neumann Kaffee Gruppe ngày nay.
Nguyễn Dung (Theo AgriMoney/ Vinanet)
Niên vụ cà phê 2014-15 mới qua. Một năm mua bán mới vừa bắt đầu. Nhìn lại hoạt động một năm qua, Hiệp hội Cà phê & Ca Cao Việt Nam cho rằng đây là một niên vụ cà phê “đau buồn”. Thử tìm hiểu lý do vì sao.
Cà phê càng trữ càng thua
Nhìn lại năm qua, điều đáng tiếc nhất phải nói là nhiều doanh nghiệp đã bỏ lỡ ít ra hai cơ hội bán giá cao nhất: một xảy ra ngay đầu vụ vào giữa tháng 10-2014 và một vào giữa tháng 2-2015 ngay dịp đón Tết Nguyên đán.
Thật vậy, giá cà phê nội địa đang trầm lắng ở mức 38 triệu đồng/tấn trong tháng 9-2014 đã nhanh chóng vượt lên 41 triệu đồng/tấn vào giữa tháng 10-2014 khi cà phê nhiều nơi còn trên cây. Rồi khi đã thu hoạch xong, hàng cà phê hầu như đâu đó để sẵn chực bán, giá vụt lên lại 41 triệu đồng/tấn ngay những ngày trước Tết Nguyên đán, khi nhiều cơ sở kinh doanh đều đã đóng cửa nghỉ vui xuân.
Ngoài hai cơ hội vàng ấy, giá đều ở mức thấp, đặc biệt càng về cuối vụ giá càng xuống, thậm chí đến ngày 23-9 giá vẫn còn lập đáy sâu mới ở mức 33,5 triệu đồng/tấn trước khi bình bình vào ngày cuối vụ chừng 35 triệu đồng/tấn.
Cái bẫy giá tăng chết ở chỗ thấy giá lên mạnh đầu vụ và dịp tết, nhiều doanh nghiệp tin chắc giá càng về sau càng cao hơn như cách đi của giá thị trường nhiều năm trước, thế là người người rủ nhau “đợi giá”, thậm chí còn mua trữ với giá cao, để rồi phải chịu thua lỗ từ 5-8 triệu đồng/tấn vào thời điểm cuối vụ.
Giá xuất khẩu tăng, doanh nghiệp vẫn lỗ
Đau hơn, tưởng giá lên cao, nhiều doanh nghiệp bán xuất khẩu với mức trừ dưới giá niêm yết sàn kỳ hạn, đầu vụ có người bán cà phê robusta loại 2 hạt đen bể tối đa 5% trừ 80 rồi trừ 100 đô la Mỹ/tấn giao hàng qua lan can tàu (FOB). Nhưng giá càng về sau càng thấp, mức bán FOB co lại và có lúc loại này được giao dịch ở mức cộng 80 đô la/tấn trên giá niêm yết. Vì thế nên cách biệt giá xuất khẩu dựa trên chênh lệch với giá kỳ hạn cũng khá rộng, từ 150-180 đô la/tấn. Điều đó có nghĩa là đầu vụ ai bán xuất khẩu loại cà phê này ở mức trừ 80 đô la/tấn thì sau này phải mua giao với mức cộng 80 đô la/tấn, lỗ 160 đô la/tấn.
Giá cà phê trên hai sàn kỳ hạn suốt niên vụ 2014-15 cũng đi theo chiều xấu, càng lúc càng chìm sâu.
Giá kỳ hạn ngược chiều thông tin
Trên sàn kỳ hạn robusta London, nơi các doanh nghiệp Việt Nam thường lấy giá để tham chiếu, đỉnh giá nằm tại thời điểm mới vào vụ mức 2.214 đô la/tấn thì đáy sâu nhất 1.511 đô la/tấn lập ngày 22-9 khi còn một tuần nữa là chấm dứt niên vụ cũ, mất 703 đô la/tấn. Giá mở màn ngày 1-10-2014 ở mức 2.106 đô la/tấn thì ngày cuối vụ 30-9-2015 chỉ còn 1.557 đô la/tấn, mất 549 đô la/tấn (xin xem biểu đồ 1).
Biểu đồ 1: Diễn biến giá đóng cửa trên sàn kỳ hạn robusta London (nguồn: theice.com)
Giá kỳ hạn arabica New York cũng đi một nhịp với giá nội địa tại Việt Nam và giá kỳ hạn robusta London. Vào đầu vụ, một hãng kinh doanh cà phê đa quốc gia bất ngờ bắn tin rằng hạn hán trầm trọng xảy ra tại Brazil, nước sản xuất và xuất khẩu cà phê số 1 thế giới. Giá cà phê tại Mỹ đang nằm mức 208 xu/cân Anh (cts/lb) nhảy lên 228 cts/lb hai tuần sau đó, tăng 20 cts/lb tương đương với 440 đô la/tấn!
Đợi đến Tết Nguyên đán Việt Nam, khi giao dịch trầm vắng, họ lại bắn thêm một tin hạn hán khác, giá sàn này có dịp tưng lên 190 cts/lb sau một thời gian chìm nghỉm, phụ đẩy giá robusta tăng lên mức trên 2.100 đô la/tấn, nhưng cuối năm giá có lúc chỉ còn 115 cts/lb, cà phê arabica mất hẳn 2.500 đô la/tấn so đỉnh với đáy! (xin xem biểu đồ 2)
Biểu đồ 2: Diễn biến giá đóng cửa trên sàn kỳ hạn arabica New York (nguồn: theice.com)
Có lẽ khỏi cần phải nói thêm, mức độ hạn hán có trầm trọng hay không, cho dù thời tiết có cực đoan chi lắm, thì cũng không đến nỗi phải tăng nhanh và mạnh để rồi sau đó giá sụp liên hồi. Như vậy mục đích của người bắn tin hạn hán chỉ nhằm đầu cơ, trục lợi, đánh trúng tâm lý thị trường và cách kinh doanh bầy đàn của nước khác để bán tồn kho hay ngăn nước khác xuất khẩu hầu bán hàng được mùa trước đó từ Brazil và các nước xuất khẩu arabica.
Giá kỳ hạn đóng cửa hôm qua 2-10 sàn robusta chốt mức 1.578 đô la/tấn, tăng 22 đô la so với ngày đầu niên vụ nhưng giảm 18 đô la/tấn so với tuần trước; sàn arabica tăng 1,6 cts/lb từ 122.70 cts/lb tuần trước lên 124.30 cts/lb tuần này. Giá cà phê nội địa sáng nay quanh mức 35-35,5 triệu đồng/tấn.
Thị phần mất oan uổng
Nếu nói thị trường là nơi phản ánh trung thực nhất cung-cầu, thì với cách đi của giá trên các sàn kỳ hạn và thị trường nội địa của niên vụ vừa qua như cái bẫy: đáng ra phải lưu ý thị trường rằng hạn hán vừa phải, nhu cầu tiêu thụ cà phê không thiếu như người ta vẽ ra. Thế mà thị trường cà phê nội địa Việt Nam cả năm vừa qua đều tin theo các nguồn tin ấy!
Đến nỗi khi mất thị phần xuất khẩu, nhiều người vẫn nại lý do Việt Nam mất mùa cà phê chứ không phải do rủ nhau đầu cơ trữ hàng gây thiệt hại lớn cho ngành và cho kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Ước tính của Tổng cục Hải quan cho rằng cả niên vụ 2014-15 xuất khẩu cà phê Việt Nam chỉ đạt chừng 1,2 triệu tấn, tức bình quân mỗi tháng 100.000 tấn, giảm khoảng 20.000-30.000 tấn so với trung bình vài năm trước đây, giảm chừng 30% so với niên vụ trước. Con số mới hiện có do Tổ chức Cà phê Thế giới phát hành cho rằng trong mười tháng đầu niên vụ, xuất khẩu cà phê của thế giới đạt 92,9 triệu bao (60 kg x bao) giảm 2,8% thì việc xuất khẩu cà phê Việt Nam năm qua giảm 30% nói lên rằng thị phần xuất khẩu cà phê nước ta đang về tay ai đó.
Kế hoạch trữ hàng đợi giá tăng thêm một lần nữa thất bại hoàn toàn. Nhiều cư dân tại vùng sản xuất và doanh nghiệp xuất khẩu thất điên bát đảo vì một mặt thua lỗ, mặt khác cà phê được cất quá kỹ nên không có hàng ra trên thị trường để các doanh nghiệp xuất khẩu mua nhằm giao hàng thực hiện hợp đồng, dù vậy giá cứ ì ạch.
Có thể khẳng định rằng những đề nghị, chương trình trữ hàng trước đây nếu nhiều doanh nghiệp có lời hầu hết đều “ăn may” do giá thị trường tăng chứ không phải là một phương sách hay công cụ kinh doanh hữu hiệu như năm vừa qua đã minh chứng.
Hãy chọn một phương cách mua bán mới, thâm nhập đúng chuỗi cung ứng, sử dụng đầy đủ các công cụ kinh doanh hàng hóa cà phê thì mới mong thoát khỏi cảnh mất mùa, mất giá, mất cả thị phần.
(Nguyễn Quang Bình - The Saigontimes)
Từ ngày 22/09 đến 27/09/2015, Công ty CP XNK cà phê Intimex Nha Trang đã tổ chức tham quan du lịch thường niên cho toàn thể CBCNV Công ty với điểm đến năm nay là tour du lịch Thái Lan 5 ngày 4 đêm, qua đó CBCNV Công ty có cơ hội được tìm hiểu và khám phá những địa danh nổi tiếng ở nước bạn.
Với phương châm “Làm hết sức – chơi hết mình”, chuyến du lịch tập trung vào những hoạt động nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí và tham quan các cảnh đẹp tại đất nước Thái Lan như: Sông Chao Phraya, Cung điện Hoàng Gia, Chùa Wat Traimit,…
Đồng thời, thông qua hoạt động du lịch thường niên này, ngoài việc thắt chặt tinh thần đoàn kết, gắn bó lẫn nhau giữa toàn thể CBNV, thì đây cũng là dịp mà Ban Lãnh đạo Công ty muốn thể hiện sự quan tâm, chia sẻ cũng như là tri ân dành cho CBNV đối với những đóng góp trong công cuộc phát triển Công ty.
Sau đây là một số hình ảnh của đoàn tại Thái Lan:
Tập thể Văn phòng Công ty chụp ảnh lưu niệm tại sân bay Cam Ranh
Du thuyền trên sông Chao Phraya(Sông của các vị vua) và được nghe giới thiệu về lịch sử, kiến trúc, văn hóa về những ngôi chùa, những cung điện dọc sát bên sông.
Một ngọn tháp cao 76m nằm sừng sững bên sông vật liệu để đúc nên ngọn tháp này chính là những mảnh vỡ còn lại của con tàu bị đắm.
Sông Chao Phraya cũng rất nhiều cá, loại cá da trơn giống cá basa, cá tra ở Việt Nam. Đây là loài cá tự nhiên trên sông, thuộc Hoàng Gia Thái nên không ai đánh bắt, thức ăn của chúng là bánh mì của du khách đến tham quan. Tới đây, du khách có những giây phút thư giãn vui nhộn với cho cá ăn bánh mì.
Cùng xem tiết mục biểu diễn với cá sấu
Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Vườn thú Sriracha Tiger ở Thái Lan có diện tích khoảng 400.000m2, cách thành phố Pattaya khoảng 30 phút đi bằng ô tô. Vườn thú này nuôi dưỡng hơn 400 con hổ Bengal và hơn 10.000 con cá sấu các loại.
Tham quan tượng Phật bằng vàng khắc trên một ngọn núi tại Pattaya
Cung điện Hoàng Gia được xây dựng theo lệnh của Quốc Vương Rama V vào năm 1907 và hoàn thành vào thời kỳ thống trị của Quốc Vương Rama VI theo lối kiến trúc của thời kỳ Phục Hưng - đặc biệt là phần mái vòm vươn cao lên theo thiết kế của kiến trúc sư người Ý - Mario Tamango và Annibale Rigotti. Sau cuộc đảo chính năm 1932, cung điện được coi là tòa nhà Quốc Hội đầu tiên của Thái Lan.
Tham quan tượng Phật Vàng được làm từ vàng khối nguyên chất cao 3m nặng 5,5 tấn tại chùa Wat Traimit. tượng Phật Vàng được đúc vào thời đại Sukhothai (thế kỷ 13 – 15) khi Thái Lan bị Miến Điện xâm chiếm.
Đoàn chụp ảnh lưu niệm khi tham quan chùa Wat Traimit.
Một số video clip trong chuyến đi:
- Tiết mục biểu diễn với rắn độc
- Sân bay Quốc tế Suvarnabhumi
(Bài viết và hình ảnh: Intimex Nha Trang JSC / Phòng KTTH)
Giá trên các thị trường cà phê vẫn ở các mức thấp nhất của niên vụ. Bên bán chờ giá cao hơn để bán, bên mua chờ giá thấp nữa để mua, nhưng giá trên thị trường không thay đổi sau quyết định giữ nguyên lãi suất của Fed. Hình như nhà sản xuất và xuất khẩu cà phê Việt Nam chưa chuẩn bị một kịch bản xấu nhất khi giá cà phê biến động xấu nhưng không xuất phát từ yếu tố cung-cầu.
Nhu cầu mua chậm chạp
“Thị trường vẫn chưa bung lên được dù lượng bán ra cực ít, chứng tỏ nhu cầu mua mới chưa có,” một chuyên gia ngành hàng cà phê tại TPHCM cho biết.
Tháng Chín hàng năm thường là tháng hỏi mua hàng tích cực nhất trong năm vì sang tháng Mười là bắt đầu niên vụ mới, đặc biệt sau khi các nhà kinh doanh và rang xay Âu Mỹ thường quay về làm việc sau đợt nghỉ hè. Hơn nữa đây cũng là lúc các cơ sở rang xay và bán lẻ cà phê chuẩn bị sản xuất phục vụ cho những dịp lễ tết cuối năm, mừng năm mới và cả mùa đông, mùa tiêu thụ chính của mặt hàng cà phê tại các vùng ôn đới.
Từ mức 34 triệu đồng/tấn, được cho là đáy sâu nhất tính đến nay của niên vụ hiện tại, giá cà phê nguyên liệu nhích lên dần, rồi chòng chành quanh mức 35 triệu đồng/tấn. “Ở các mức này, chẳng khuyến khích ai bán ra và thị trường khá trầm lặng, mua bán mới không nhiều nên hoạt động xuất khẩu trong tháng 9-2015 cũng không khác gì tháng Tám vừa qua,” một chủ đại lý thu mua cà phê tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai cho hay.
Thống kê của Tổng cục Hải quan ước lượng cà phê xuất khẩu của cả tháng 8-2015 chỉ chừng 92.000 tấn.
Mua bán chưa gặp nhau
Thị trường yên ắng do giá hai bên mua và bán xuất khẩu chưa gặp nhau: trong khi người mua trả cộng 40-50 đô la Mỹ/tấn giao hàng qua lan can tàu (FOB) đối với cà phê robusta loại 2,5% đen bể thì bên bán đòi giá cộng 80 đô la/tấn cao hơn giá niêm yết cơ sở tháng 11-2015 trên sàn kỳ hạn London, nơi cà phê robusta thường sử dụng để làm giá tham chiếu.
Giải thích cho lý do này, vị chuyên gia cho rằng có thể do hàng đang còn nằm tại kho các đại lý thu mua có giá thành cao, giá mua vào trước đây quanh mức 40 triệu đồng/tấn, bán ra với giá hiện hành thì người bán lỗ ngang 5 triệu đồng/tấn chưa tính lãi ngân hàng, hao hụt tự nhiên, chi phí lưu kho…
Trong khi đó, áp lực hàng vụ mới đang mỗi ngày một cận kề, người mua muốn đợi giá thấp khi hàng ra nhiều hơn dù vẫn biết giá kỳ vọng của người bán còn cao vời vợi so với giá hiện nay.
Trước đây mọi người trông mong giá lên 39-40 triệu đồng/tấn thì nay đã có thể chấp nhận 38 triệu đồng/tấn, tương đương với 1.690 đô la Mỹ/tấn. Dựa trên giá đóng cửa mới nhất, hai bên còn cách nhau chừng 70-80 đô la Mỹ/tấn.
Hôm qua, phiên giao dịch cuối tuần, giá kỳ hạn sàn robusta London chốt mức 1.556 đô la/tấn(xin xem biểu đồ trên), giảm 4 đô la/tấn và sàn kỳ hạn arabica mức 118,35 xu/cân Anh (cts/lb) tăng 1.8 cts/lb so với cuối tuần trước.
Giá cà phê nguyên liệu sáng nay 19-9 tại một số nơi trên Tây Nguyên quanh mức 34,5 triệu đồng/tấn, mua bán tiếp tục chậm chạp.
Tồn kho tại các nước tiêu thụ tăng
Báo cáo tồn kho định kỳ hàng tháng của Hiệp hội Cà phê châu Âu (ECF) cho biết lượng cà phê nguyên liệu trong kho tại các cảng châu Âu tính đến hết tháng 7-2015 tăng 181.677 bao (60 kg x bao) so với tháng trước đó, đạt 11.909.433 bao. Nếu tính thêm cà phê đang trên đường trung chuyển và hiện có sẵn tại các cơ sở sản xuất, lượng này có thể lên đến 16 triệu bao, tương đương với nhu cầu cho 4 tuần. Châu Âu là thị trường tiêu thụ cà phê truyền thống của thế giới và của Việt Nam.
Biểu đồ: Diễn biến giá đóng cửa trên sàn kỳ hạn robusta London (nguồn: theice.com)
Tính đến ngày 14-9, tồn kho cà phê đạt chuẩn trên sàn kỳ hạn robusta London đạt 205.950 tấn, tăng 1.140 tấn so với hai tuần trước đó, chủ yếu hàng có xuất xứ từ Brazil còn hàng từ Việt Nam chiếm tỷ lệ cực ít.
Cần chuẩn bị một kịch bản “giá xấu”
Giới kinh doanh hàng hóa nông sản tuần qua đón nhận tin mừng khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định không tăng lãi suất đồng đô la Mỹ. Người ta tin rằng nếu lãi suất đồng đô la tăng, giá hàng hóa nguyên liệu nào dùng đồng đô la Mỹ để giao dịch sẽ phải xuống thấp do giá trị đồng đô la Mỹ cao hơn đồng nội tệ của nước sản xuất.
Lãi suất đồng đô la Mỹ hiện nay đang ở quanh mức rất thấp, từ 0-0,25%. Quyết định không tăng lãi suất có thể góp phần nào giúp giá cà phê trên các sàn kỳ hạn không giữ vững, dù đang ở vùng thấp nhất của cả niên vụ (xin xem biểu đồ trên).
“Dù qua phiên họp ngày 17-9, Fed quyết định không tăng lãi suất đồng đô la Mỹ, giá cà phê trên các sàn kỳ hạn không giảm, các nhà xuất khẩu cà phê và hàng hóa nông sản dùng đồng đô la Mỹ làm đồng tiền giao dịch cũng cần chuẩn bị một kịch bản xấu nhất: đàng nào Fed cũng tăng lãi suất không vào dịp cuối năm nay thì cũng đầu năm 2016,” vị chuyên gia nhận định.
Thật vậy, giá cà phê hiện nay đang thấp không những tại thị trường nội địa mà còn trên các sàn kỳ hạn. Nếu như vào dịp cuối năm nay, Fed quyết định tăng lãi suất đồng đô la Mỹ, ảnh hưởng của quyết định ấy lên giá cà phê là khá lớn vì bấy giờ không chỉ áp lực do bán tháo trên các sàn kỳ hạn, mà còn đúng cao điểm bán và xuất khẩu cà phê niên vụ mới 2015-16 sẽ bắt đầu nay mai.
(Nguyễn Quang Bình - The Saigontimes)
" MASCOPEX phấn đấu trở thành Công ty Uy tín – Tin cậy – Chất lượng hàng đầu trong lĩnh vực xuất nhập khẩu mặt hàng nông sản "