Thị trường cà phê còn những gì trắc trở?

Giá cà phê trên sàn phái sinh thương phẩm robusta London vào ngày giao dịch cuối tuần lập đỉnh mới tại 1.777 và đóng cửa tại 1.767 đô la Mỹ/tấn, gần mức cao nhất tính từ quí 4-2018. Thị trường trong nước cũng đã nâng lên quanh 37 triệu đồng/tấn, nhưng giao dịch không mấy nhộn nhịp. Tại sao? Liệu hướng tăng trên thị trường cà phê có còn trắc trở?

Trên sàn giao dịch robusta London, nơi các nhà kinh doanh cà phê Việt Nam thường dùng để tham chiếu, giá cứ nhồi lên mấy tuần liên tiếp. Hiệu suất đầu tư cà phê trên sàn này tính từ đầu năm đến nay tăng 24,09%, tương đương với 343 đô la Mỹ/tấn, khi đóng cửa cuối tuần chốt tại 1.767 đô la/tấn so với 1.424 lập vào ngày 31-12-2020. Giá phái sinh đang muốn tìm lại đỉnh cao gần nhất xuất hiện vào quí 4-2018 bấy giờ được ghi nhận là 1.792 đô la/tấn. Liệu giá cà phê nội địa có lên tương đồng với thời kỳ ấy tại mức 38,5 triệu đồng/tấn?

Nhiều nhà xuất khẩu cho rằng nhìn con số và riêng độ nhảy tại sàn London, ai cũng thấy còn đà tăng kể từ đầu tháng 7-2021 khi sàn chuyển cấu trúc giá từ thuận chiều sang nghịch đảo. Nên chuyện tăng lên mức ấy chỉ là vấn đề thời gian. Nhưng cụ thể đến khi nào thì đạt các mức ấy, không dễ có câu trả lời, nhất là giá cà phê trong nước.

Trong ngành cà phê, hai tháng 7 và 8 thường là thời gian các nhà kinh doanh và rang xay nghỉ hè nên mua bán chậm, giá cả dật dờ. Nhưng năm nay giá biến động lẹ làng nhưng giao dịch mua bán lại cho cảm giác “xót ruột”.

Giá tăng nhưng giao dịch trong nước trầm lắng

“Cách nay một tuần, có nhà nhập khẩu chào mua cà phê xuất khẩu 37,1 triệu/đồng/tấn nhưng không ai bán, họ chuyển sang chấp nhận mua cùng giá với hàng nguyên liệu cũng không mua được”, một doanh nhân tại TPHCM cho biết. Tuy vậy, cũng chỉ có người thiếu hàng hoặc mua để đầu cơ giá lên chứ không phải nhiều người nhảy vào mua một lúc “đại trà” như những năm trước. Như vậy, nhu cầu mua hàng như nhà nhập khẩu nêu trên nên được xem là trường hợp hiếm hoi.

Trong khi đó, người bán hàng thực đến nay không có sẵn cà phê trong tay do đã gởi hàng vào kho, dù muốn bán cũng không thể đòi được mức cao ấy mà chỉ quanh 36,5 triệu đồng/tấn vì chủ kho báo không có nhu cầu mua, nên giá rẻ mới chốt. Còn rút hàng ra? Chủ kho tính biết bao nhiêu phí và lãi gộp ngân hàng, nên cũng chỉ quanh mức thấp, thậm chí tệ hơn mức giá họ chấp thuận.

Bên bán không được tự do đã đành, bên mua còn quá nhiều hàng trong kho chưa giải phóng, nên mạch trao đổi đều bị tắc. Trong khi đó, hàng robusta Brazil đã thu hái xong cho năm nay với phần chắc robusta nước này được mùa, chừng 1,2 triệu tấn, bằng 2/3 sản lượng cà phê Việt Nam. Nên giá trên sàn hiện nay không do nước sản xuất cà phê robusta lớn nhất là Việt Nam quyết định, mà chính là Brazil và tiếp đó là Indonesia vì nước này cũng đã ra hàng niên vụ mới.

Mặt khác, so với giá bán xuất khẩu tính theo phương thức giao hàng qua lan can tàu (FOB), giá cà phê loại 2 của Brazil đang được tính cao hơn giá niêm yết sàn London đến 100 đô la/tấn, cao hơn giá cùng loại tối đa 5% đen bể của Việt Nam đến 200 đô la/tấn.

Tại sao? Cước tàu đang chi phối mạnh giá xuất khẩu cà phê tùy từng nước. Một container 20 feet từ Brazil qua Mỹ, người mua phải trả 4.000 đô la/container trong khi từ Việt Nam 10.000 đô la/container. Như vậy, thị phần xuất khẩu qua Mỹ của cà phê Việt Nam cho hàng cà phê thương mại tạm thời bị hạn chế.

“Mua hàng mà để đó thì làm sao mà mua tiếp được!”, đại diện một nhà nhập khẩu cho biết. Nhiều người muốn bán lại cho các nhà xuất khẩu Việt Nam hay thường gọi là “cà phê xuất khẩu ngược” cũng không xong vì giá mua trước đây ở mức cộng (cao hơn giá niêm yết), thì nay phải bán trừ lùi, không ai chịu lỗ kiểu này. Chính vì tắc nghẽn trong khâu hậu cần mà giao dịch trên thị trường nội địa “đứng bánh” và… chưa biết cho đến khi nào.

Có lẽ để giải quyết một phần khó khăn do giá cước tàu quá cao, sàn cà phê robusta phải dàn xếp bằng cách cho giá tháng giao hàng gần cao hơn giá tháng xa mà thị trường gọi là vắt giá. Theo dõi giao dịch, lần vắt giá này không xuất phát từ thiếu hàng thực sự nhưng phải nói rõ các tồn kho tại nước tiêu thụ và sàn giảm do hàng từ các nước sản xuất không đi được. Còn tồn kho hàng thực thì vẫn đầy tại nước sản xuất, chủ yếu nằm trong tay người mua là các nhà nhập khẩu.

Tồn kho đạt chuẩn thuộc sàn robusta London tuần trước tụt xuống dần chỉ còn 147.060 tấn. Cấu trúc vắt giá đang báo hiệu cho thị trường biết sàn và kho tại các nước tiêu thụ đang cần hàng nhưng chỉ cung cấp vừa đủ số tiền chênh lệch như tỏ ý muốn dàn xếp giá cước, nên mức chênh lệch giữa các tháng chỉ một vài chục đô la Mỹ. Thế thì một khi các nhà kinh doanh “cáp” được giá tàu, đó cũng là lúc báo hiệu hướng lên của giá trên sàn sẽ không như ý muốn.

Hơn nữa, lượng hàng robusta tại Brazil hết sức sẵn sàng. Giá cước Brazil-Mỹ rẻ. Cơ hội robusta Brazil chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu nhiều hơn. Một khi nông dân Brazil chấp nhận giá mua, đặc biệt lúc đồng nội tệ reias Brazil mất giá, thì bấy giờ sẽ thấy làn sóng bán robusta từ Brazil và gây áp lực lên giá.

Tại sao bây giờ nông dân trồng robusta Brazil chưa bán? Vì nước này đang vào mùa rét. Nhà vườn muốn đợi thực hư thời tiết thế nào, nếu thời tiết tạo thuận lợi cho giá, bấy giờ họ mới bán. Nhưng nếu không thuận lợi? Họ bán càng nhanh.

Brazil đã vào mùa rét. Nhưng tính từ cuối thập niên 1990 trở lại, không thấy một trận rét đậm rét hại gây ảnh hưởng đến sản lượng cà phê Brazil vì Brazil đã di chuyển hầu hết diện tích trồng cà phê từ vùng hay bị rét hại xuống vùng ấm hơn. Như vậy, một khi giải quyết được khâu hậu cần và thị trường biết thời tiết Brazil ấm dần, các vùng cà phê không bị sương giá, thị trường sẽ bày ra những trắc trở ngáng hướng đi lên của giá trên sàn phái sinh và thị trường nội địa tại Việt Nam.

Một khó khăn trước mắt nữa là dịch Covid-19 với biến chủng Delta “sát thủ”, nhiều nước bắt đầu siết lại lệnh phong tỏa. Chắc có lẽ thị trường cà phê lại gánh thêm một khó khăn do tiêu thụ cà phê giảm.

Nguyễn Quang Bình (thesaigontimes)

Đánh giá bài này
(0 bình chọn)
Đã xem 997 lần
PHÒNG TCHC

Chào mừng quý vị đã ghé thăm website của chúng tôi. Mọi thắc mắc và phản ánh xin vui lòng liên hệ với bộ phận Quản trị - Phòng Kinh tế tổng hợp (Email: info@mascopex.com)

English Vietnam

PHÒNG KINH DOANH

     
 Tel / Whatsapp:
      +84 905 468 706 (Ms LOAN)

DỊCH VỤ VÉ MÁY BAY

     
Tel: 098 998 9992  (Ms Hằng)

     
Tel: 0901 307 308 (Ms Thanh)

VIDEO CLIP

THÀNH TÍCH

 

 

        

MASCOPEX

" MASCOPEX phấn đấu trở thành Công ty Uy tín – Tin cậy – Chất lượng hàng đầu trong lĩnh vực xuất nhập khẩu mặt hàng nông sản "

Default Theme
Layout Direction
Body
Background Color [r]
Text color [r]
Top
Top Background Image
Background Color [r]
Text color [r]
Bottom
Bottom Background Image
Background Color [r]
Text color [r]