Cà phê cùng Tony (Tập 10: Dự báo thời tiết)

Nhiều người trong chúng ta thích coi dự báo thời tiết. Hồi nhỏ đi học, cô giáo nói người Anh thích nói về thời tiết, mình sau này qua Anh gặp ai mình cũng ngó trời ngó đất rồi nói mưa gió tuyết sương nhưng thấy họ có quan tâm đâu.

Coi truyền hình ở VN, thời sự xong, mình cũng ngồi nghe dự báo thời tiết rồi coi bản tin thể thao, nhưng thật sự rất thất vọng. Trừ bữa nào có bão thì có đưa tin cụ thể, có vẽ đồ thị hoàn lưu ...cho khoa học 1 chút, các bữa khác chỉ có 1 thông tin giống nhau là trời nắng, nhiều mây, có mưa rào và giông vài nơi. Có bữa đổi lại là có mưa rào và giông rải rác.

Nguyên 1 vùng Nam Bộ mà nó nói như thế thì chả biết rác nó rải chỗ nào, nông dân canh thời tiết để xuống giống, xịt thuốc, phơi lúa....trật 1 cái là khóc ròng luôn. Chẳng ai biết vùng của mình có nằm trong "rải rác" đó hay không.

Đang phơi lúa thì mưa, hốt vô không kịp bị ướt hết, nẩy mầm sạch trơn, nhiều bác nông dân ngồi khóc như mưa. Trách gì được, nó nói có mưa vài nơi mà, chứ có nói hoàn toàn không mưa đâu, hên xui.

Rồi nhiệt độ nữa, chẳng hạn vùng Nam bộ khí hậu nhiệt đới gió mùa cận xích đạo nên nếu nói thấp nhất 20 độ, cao nhất 38 độ thì dãn hết biên độ cho phép, địa lý lớp 6 dạy rồi, khỏi dự báo cũng biết Dân đi biển thì cũng canh me dự báo thời tiết để ra khơi. Nhưng hổng ai coi trên tivi, nói là nghe bắt mệt. Tầm nhìn xa thì lúc nào cũng trên 10km.

Còn bữa nào có áp thấp hay bão thì tầm nhìn xa của chúng ta sẽ giảm 2-4km trong mưa hay sương mù, gió đông bắc cấp 5, cấp 6, biển động. Gần tâm bão thì biển động dữ dội. Nghe riết rồi quen, giờ Tony cũng tự làm được 1 bản tin dự báo thời tiết mà hẻm cần coi nữa. Theo Tony, nếu dự báo không có gì mới thì khỏi cần lặp lại, cứ nói là " chúng tôi dự báo thời tiết ngày mai y chang ngày hôm nay, hết" Không thì phải sáng tạo thay đổi.

Chút Tony đi mua bản đồ các vùng thời tiết và bẻ 1 cây ăng ten tivi, tối nào cũng đứng chỉ chỏ như giáo viên dạy sinh vật, nói rồi quay phin, tung lên youtube, cạnh tranh với đài truyền hình.

Bản tin giống nhau nên Mờ Cờ (MC) nào hay hơn thì coi. Bữa bận áo ấm quấn khăn, ngồi co ro bên ly trà nóng ở 1 góc phố nào đó của Hà Nội, chân trái gác qua chân phải, nhét 1 tay vào giữa 2 đùi, hít hà kêu rét quá rét quá ( nếu dự báo trời lạnh, rét).

Bữa bận quần bơi hình tam giác màu hồng phấn phấn khích nhảy múa như thằng khùng ( nếu dự báo có mưa, hay triều cường, thế nào cũng ngập đường phố, bơi cho đã), thậm chí bữa không bận gì, chỉ ló cái mặt ( nếu dự báo có nhật thực tàn phần), sẵn tiền bảo vệ môi trường luôn.

Rồi bắt khán giả nhắn tin đố bạn ngày mai thời tiết thế nào, có bao nhiêu người có đáp án giống bạn. Quất luôn 15,000 đồng/tin nhắn. Trúng thưởng 1 cái Iphone tốn chỉ có 10 triệu chứ mấy, trong khi 1 đêm tiền thu về từ tin nhắn cả tỷ bạc. Phải thêm vụ cờ bạc này vào để lấy hết tiền của các "nam ngây nữ ngô" chắt chiu tằn tiện, ăn hẻm dám ăn, mặc hẻm dám mặc, có nhiêu tiền nạp card hết để nhắn tin cho mấy game show nhảm nhí này coi. Í cha cha, bữa nay trời lại nắng và mưa rào rải rác khắp cả nước.

Mặc gì đây ta....

Ven hóa tranh lựng

Giáo sư Võ Tòng Xuân là 1 chuyên gia nông học được cả thế giới nể trọng. Công lao của ông với việc phát triển nông nghiệp Đồng bằng sông cửu long thì không có gì phải bàn. Kể cả sau này ông chuyển sang làm hiệu trưởng trường ĐH An Giang, một đại học nhỏ và sinh sau đẻ muộn, nhưng thành quả của nó thật lớn lao với nhiều lứa sinh viên tốt nghiệp có chất lượng rất tốt.

Tony đã từng làm việc với ĐH An Giang và thật bất ngờ về cơ ngơi của trường, có sân cỏ như ĐH ở các nước phương tây, mọi thứ đâu vào đấy,công việc được sắp xếp rõ ràng, khoa học của những người lãnh đạo có tư duy tốt.

Tuy nhiên, trong đời, ông lại có lần há miệng mắc quai. Không riêng ông mà chúng ta, ai cũng ít nhất 1 lần. Đó là đâu chục năm về trước, ông có viết 1 bài báo, xem xét bỏ Tết cổ truyền, ăn Tết theo dương lịch như các nước phương Tây. Lập luận của ông là Tết này thật sự là tết của Trung Quốc, theo nông lịch. Các nước vốn chịu ảnh hưởng của Trung Quốc như Hàn Quốc, Nhật Bản cũng đã không ăn Tết này nữa.

Hàn Quốc chỉ xem là holiday, nghỉ 3 ngày, còn Nhật thì bỏ hẳn, chuyển qua tuần lễ vàng từ Noel đến Tết dương lịch để nghỉ như phương Tây. Giáo sư Xuân còn lập luận là chúng ta nghỉ tết, thật sự là quá dài. Trước tết thì đã mất 1 tháng với tâm lý đã tháng chạp, lúc đó chúng ta bắt đầu quên dương lịch, toàn tính theo ngày âm, rằng bữa nay là mùng mấy tháng chạp rồi...nên bắt đầu chểnh mảng công việc, chuẩn bị nghỉ Tết.

Sau Tết thì với quan niệm còn mùng còn ăn chơi, còn Giêng còn ăn chơi, nên mất coi như 2 tháng. Đơn hàng xuất khẩu đi các nước khác sẽ bị thiệt hại, v.v.v nói chung ông đưa rất nhiều con số mang tính định lượng để làm cho bài viết thuyết phục. Vừa đăng lên, 1 làn sóng phản đối mạnh mẽ. Nói theo ngôn ngữ bây giờ là bị ném đá.

Ở VN, thật khó chấp nhận tư duy mới, hay quan niệm mới. Dù ở nước ngoài, nhưng quan niệm như vậy được xã hội tôn trọng vì công bằng mà nói, quan niệm đó cũng có lý, và có lợi cho cộng đồng, không phải vì lợi ích một nhóm người hay 1 ngành nghề nào cụ thể. Chỉ là quan niệm cá nhân nên chúng ta có thể phản biện, tranh luận.

Tranh luận là nguồn gốc của phát triển. Tuy nhiên, tranh luận phải có phưong pháp, tránh công kích cá nhân. Sau bài báo đó, giáo sư chọn giải pháp im lặng. Không đính chính hay tranh luận lại, vì đó là giải pháp tốt nhất sau khi cái gọi là rùm beng. Ở VN, cứ ai phát biểu, thuận tai thì không nói gì, trái tai thì ôi thôi nhận đá mệt nghỉ.

Bữa thì 1 ông Việt kiều vốn quen nổ (thông cảm, dù đã là tiến sĩ hay đang đi hạc như Tony, cứ phải nổ mới ra chất VK), bữa thì 1 ông "doanh nhân" chủ tịch hiệp hội gì đó nói năng rất quả quyết "chúng ta nên, chúng ta phải", bữa thì 1 cô ca sĩ muốn quánh bóng tên tuổi vì lâu rồi hát hẻm ai coi..nhưng tất cả đều có chung 1 cách là mời phóng viên tới để nghe phát biểu 1 câu xanh rờn, càng xanh càng tốt, đều có trong kịch bản PR.... rồi tung lên mạng.

Có 1 nhóm người, không rõ phe nào, thấy A phát biểu là ủng hộ A, ném đá B, bữa sau B nói A lại, thấy cũng xuôi tai, quay lại ném đá A khí thế. Cứ cầm sẵn 2 cục đá trên tay, đọc xong là ném, loạn xạ. Giống con dơi, ngồi coi chim và chuột quánh nhau. Thấy chuột thắng thì nói tao là chuột, coi mặt tao nè, giống chuột hem. Thấy chim thắng thì nói tao là chim, vì tao biết bay..... Tony từng tham gia tranh luận với bạn học trong 1 cuộc rượu hồi còn sinh viên, đề tài là "Nên ăn sáng trước hay quánh răng trước".

Đề tài thiệt dễ thương. Ban đầu rất vui, sau hồi cay cú, bên này lỡ nói sai 1 chữ, bên kia chụp lấy, ghi nhớ, triển khai diễn giải khí thế...để phản công lại, bên này cũng không vừa, canh me mày nói sai chữ nào là bắt bí liền, lập tức triển khai ý và dùng lý lẽ, dẫn chứng để quật lại ... Bên này đuối lý, bên kia hả hê, sung sướng.

Sau đó chuyển qua đưa các bậc phụ huynh vào, rồi sau đó tuyên bố mày vô văn hóa tao có văn hóa, mày vô học tao có học, rồi lôi các bộ phận trong cơ thể cũng đưa ra ném vào mặt nhau, máu dâng lên ngút trời.

Cũng may là Tony cũng đã kịp thời dĩ hòa vi quý bằng những câu chuyện hài hước, không là choảng nhau to.

Bắt tay làm lành, cuối cùng chân nam đá chân chiêu, cặp kè nghiêng ngả lấy xe ra về, cả bọn kết luận, đề tài của tụi mình vừa tranh luận xong, thống nhất như thế này nhé: Mỹ không nên đánh I rắc.

(CÒN TÍP)

Đánh giá bài này
(0 bình chọn)
Đã xem 2455 lần
PHÒNG TCHC

Chào mừng quý vị đã ghé thăm website của chúng tôi. Mọi thắc mắc và phản ánh xin vui lòng liên hệ với bộ phận Quản trị - Phòng Kinh tế tổng hợp (Email: info@mascopex.com)

English Vietnam

PHÒNG KINH DOANH

     
 Tel / Whatsapp:
      +84 905 468 706 (Ms LOAN)

DỊCH VỤ VÉ MÁY BAY

     
Tel: 098 998 9992  (Ms Hằng)

     
Tel: 0901 307 308 (Ms Thanh)

VIDEO CLIP

THÀNH TÍCH

 

 

        

MASCOPEX

" MASCOPEX phấn đấu trở thành Công ty Uy tín – Tin cậy – Chất lượng hàng đầu trong lĩnh vực xuất nhập khẩu mặt hàng nông sản "

Default Theme
Layout Direction
Body
Background Color [r]
Text color [r]
Top
Top Background Image
Background Color [r]
Text color [r]
Bottom
Bottom Background Image
Background Color [r]
Text color [r]