Cà phê cùng Tony (Tập 17: Búp phê với cái Hằng)

Búp phê với cái Hằng

Khoảng năm 96-97 gì đó, em Trương Thúy Hằng, bạn hạc cùng lớp, có rủ Tony đi ăn buffet ở 1 khách sạn sang trọng ở Sài gòn.

Bạn ấy có được 2 cái phiếu mời, chắc ai cho. Lúc đó khách sạn này còn gọi là Saigon Prince, giờ đổi tên thành Duxton thì phải, nằm ở đường Nguyễn Hợ.

Ờ Sài gòn thời mới mở cửa, New World là sang trọng nhứt với câu cửa miệng là đi ăn ở New World ( mấy bà nội trợ đọc là Niêu quơ), sau đó thì Ca Ra Ven rồi Sai Gon Prince. Nên Tony hăm hở lắm, buổi trưa đó đã phải nhịn đói để buổi tối ăn cho nhiều, cho đã.

Đi ăn buffet ( đọc là búp-phê theo kiểu tiếng Pháp, chứ không phải Búp Phét theo tiếng Anh đâu nha) là ăn thoải mái nên phải có chiến lược bài bản, không được lãng phí và bỏ lỡ bất cứ cơ hội nào.

Đang nằm ngủ trưa nhưng vì cồn cào trong bụng quá và cũng nôn nóng nữa nên ngủ mãi không được, khoảng 2h thì đã phải dậy tắm rửa để đi ăn búp phê. Tắm rửa kỳ cọ thiệt sạch, tìm bộ đồ vía đẹp nhứt để mặc. Cái quần tây màu xanh dương đậm, cái áo thun màu trắng kem, đóng thùng, mang đôi dép có quai hậu.

Mỗi lần co chân lên đạp thì cái ống quần lại lên tuốt trên đầu gối, lòi mắt cá và 1 khúc ổng quyển đầy lông và đầy phèn. Chân quê mà, lúc đó chưa " chân thành phố" như bây giờ. Đạp tới khách sạn thì cũng đâu khoảng 4h chiều. Gửi xe đạp ở khách sạn lớn sợ nó hổng nhận nên chạy qua tận trường Ngân hàng gần đó để gửi rồi lội bộ qua.

Thong thả, rong rủi cố kéo dài thời gian... mãi cũng chỉ mới có 5h, mà trên thiệp mời 6h mới ác. 2 đứa bèn đứng trước khách sạn, nói chuyện trường chuyện lớp, nhưng bụng đói cồn cào, hoa mắt muốn xỉu... 6h kém 15, hai đứa xuất hiện ngay trước nhà hàng.

Tụi phục vụ còn chộn rộn dọn đồ vào ra, 2 đứa ngó nghiêng quan sát chút nữa mình sẽ ăn cái gì. Nó bưng tôm ra kìa, nó bưng thịt gà ra kìa, nó bưng bánh mì ra kìa...2 đứa nhìn theo nuốt nước bọt ừng ực Đúng 6h, 2 đứa lao vào ngay. Ngồi sát mép quầy dọn thức ăn. Cả nhà hàng chỉ có 2 đứa vì sớm quá, chưa ai vào.

Ngồi xuống.

Lấy khăn phủ đùi.

Lấy 2 ly nước lọc, vì chỉ miễn phí nước lọc.Xong cái lon ton chạy ra quầy bày thức ăn.

Đầu tiên là mình ăn gỏi bưởi tôm thịt, cha mẹ ơi, ngon quá, Tony quất 1 dĩa to, cái Hằng nói ông ngu quá từ từ chưa gì đã ăn gỏi, no sao ăn cái khác. Thấy mình ngu thật nhưng hổng lẽ tự nhiên đổ dĩa gỏi, nên ráng ăn xong, chạy qua ăn thịt cừu. Lấy 1 miếng to, thịt cừu thì mình chưa ăn bao giờ trong đời, chỉ đi học Anh văn, cô giáo bảo Lamb là thịt cừu nên lấy ăn cho biết.

Ăn vào trong họng thì ôi thôi, muốn ói quá. Cái mùi gì kinh khủng, nhưng hổng lẽ ói trong khách sạn 5 sao, ráng nuốt. Tony thông minh nghĩ ra cách lấy thêm cà chua ăn kèm vào sẽ át đi mùi cừu.

Vật vã mãi 2 đứa cũng hết dĩa cừu nướng.

Cái Hằng bảo, thôi mình phải ăn cái gì sang trọng thôi, tôm hùm đi.

2 đứa tới quầy tôm hùm, nhìn nhìn nhưng không chắc là có miễn phí hay phải trả thêm tiền, nên không dám lấy, cứ đứng coi. Một lúc thì Tony đánh bạo hỏi anh đầu bếp là tụi em ăn cái này có được không anh, ổng trả lời được được, giờ làm món gì? Cái Hằng nhanh nhảu bảo nướng bơ tỏi đi, tụi em thích ăn bơ và tỏi

Một đứa 2 con tôm hùm xong thì thấy nó cũng chả ngon lành gì. Nhìn sang bên cạnh thì thấy mấy ông khách đang ăn hàu sống và cá hồi sống một cách ngon lành, thế 2 đứa cũng ra quất cho 2 dĩa to, ăn thử cho biết. Trệu trạo và sợ hãi, lần đầu tiên mình ăn động vật chưa qua chế biến như vầy.

Nhưng rồi cũng xong 2 dĩa hàu và cá hồi. Sau đó chuyển qua ăn bánh mì Pháp, rồi ốc hương, rồi lại bánh mì đen, rồi lại ăn tôm sú luộc. Tuyệt nhiên không đụng đến rau và cơm, ngu gì... Đến 10 thì khách về hết, chỉ còn 2 đứa.

2 ly kem to là món ăn cuối cùng, thật sự nuốt không vào nữa, nhưng cái Hằng cứ ép ăn đi chứ uổng quá ông, 2 ly kem nước ngoài này ở ngoài bán mấy chục ngàn lận đó.

Thế là ráng.

Cái Hằng quất được 2 muỗng còn Tony ráng được 1 nửa ly thì ớn óc quá phải đứng lên ra về.

Khi ra về, bẽn lẽn đưa 2 cái phiếu ăn miễn phí cho cô phục vụ trong sự ngỡ ngàng của cả nhà hàng.... Tối đó ngủ không được. Nước bọt trong cứ tiết ra hoài.

Trở qua trở lại 1 lúc thì thấy muốn ói, nhưng phải kiềm lại.

Ói uổng chết, công trình ăn từ chiều đến giờ, ráng cho nó tiêu được bao nhiêu thì tiêu. Nhưng đến 2h sáng thì chịu không nổi nữa, vào toilet ói sạch trơn, cái bụng lại trống không, lúc đó mới ngủ được.

Giấc ngủ của anh ấy đêm ấy không sâu, chập chờn và có nhiều tiếc nuối....

Chuyện cô Cao và thầy hiệu trưởng ( tiếp)

( Tóm tắt cốt truyện phần một la mã và hai la mã: Cô Cao có công ty du lịch Oan Lạc, tổ chức tour đi Nha Trang cho 1 trường hạc trên Củ Chi. Thu trước 70%, còn lại 30% đi về rồi thu. Đi về, trường này nói chất lượng tour không đạt, không trả 30 triệu còn lại. Cô Cao nhờ Tony đòi nợ giùm, bị ông hiệu trưởng chửi thậm tệ. Giờ phần tiếp theo nha)

III. Ba La Mã: Cô Cao giải trình

Lúc đó, Tony nói thôi Cao à, mình kinh doanh phải có trước có sau, chứ nghe khách hàng nói vậy chắc cũng có lý do. Cốt để về mình quản trị lại doanh nghiệp, dù ổng chửi nhưng mình xem là 1 lời góp ý, là cơ hội để sửa chữa.

Lúc này thì cô Cao mới phân trần là giá tour lẽ ra phải 200 triệu mới đủ các chi phí cho cả trường đi chơi như thế, nhưng vì cạnh tranh khốc liệt quá, nên cô chào giá còn phân nửa.

Và với số tiền ít ỏi đó, để thực hiện được tour, cô phải bóp mồm bóp miệng, cắt giảm mọi chi phí có thể, thậm chí giảm số sao khách sạn, ăn uống...Cô nói cái ông này lúc ký hợp đồng thì vui vẻ lắm. Nên cô cũng nhân lúc vui vẻ mà lồng ghép một số cái bất lợi mà lúc sales hổng dám nói như là có khi tụi em sẽ ghép chung 5 người 1 phòng được không thầy, ổng nói vậy càng vui, đi chơi chủ yếu là thức chơi chứ ngủ nghê gì, quay qua còn nói với mấy ông thầy khác tao ngủ với mày, mày ngủ chung với thằng kia con kia....cười ha hả mà.

Cô nói khéo là ăn uống em sẽ rau nhiều hơn thịt cá nhé, ổng bảo là được em, giờ thịt cá ớn quá rồi, tụi anh thích ăn rau lắm, nhất là rau sạch. Rồi cô cũng nói có đi mua sắm không để tụi em biết, ông bảo phải đi chứ, tụi anh dành dụm cả năm nên ra đó em cứ đưa đi mua sắm.

Rồi thằng hướng dẫn nó nói, tối hôm trước nó xin phép ngủ sớm để sáng mai đưa các thầy cô lãng mạn đi dọc bãi biển nhặt vỏ sò mượn hồn hút gió, nhưng mấy ông thầy có cả ông hiệu trưởng nữa, 12 đêm còn tụ tập qua phòng nó, đem bia ra rồi ép nó uống, nói mày say thì mai nằm nghỉ, đi đón bình minh bình miếc làm cái éo gì.

Ông này trùm nói tục mà. Nên nó mới say và ngủ quên. Cô nói, đã nói như vậy rồi, xác nhận hết rồi nhưng về, biến thành nội dung khác, vì không muốn trả tiền.

Làm ăn thì mệt vụ đòi nợ lắm ông à.

Tony ngồi giữa nghe thì thấy bên nào trình bày cũng thuyết phục, nên thôi im lặng uống hết ly cà phê rồi về văn phòng làm việc. Lúc cô Cao lấy xe máy chạy về, dáng người cao nhòng ốm nhách trên chiếc Mio màu đỏ, Tony nhìn thấy thiệt là tội nghiệp. Mình không biết làm gì để giúp cô ấy. Tính hồi đó hay bao đồng, thấy bạn bè mất tiền mà mình thở dài thườn thượt cả buổi.

IV. Bốn La Mã: Cô Cao và giải pháp đòi nợ

Đâu 2 tháng sau thì cô Cao gọi mình ra quán cà phê, khoe là đã đòi được nợ ông Tuấn rồi. Mình hỏi ủa sao hay vậy, kể nghe. Cô kể thì tui lập ra 1 trung tâm du lịch mới, tên là trung tâm du lịch Rạng Đông, tui cử 1 đứa lanh lợi giỏi giang qua chào ông Tuấn tham quan Sở thú cho hạc sinh cả trường. Tụi nó có chương trình ngoại khóa tham quan sở thú.

Tui chào giá tổng cộng 45 triệu, rẻ phân nửa đối thủ.

Cái bên đó đồng ý liền, tui trích ngay tiền lại quả commission cho ông hiệu trưởng 3 triệu. Bên đó chuyển trước cho tui 70%, tức khoảng 30 triệu. Nhận được tiền, coi như xong nợ, tui thanh lý hợp đồng cũ. Tui đòi mãi không được nên nghĩ ra cái mưu này để lấy lại tiền, và số tiền lấy đúng là số tiền cũ, không lường gạt một xu.

Cô Cao còn kể, tui nhận tiền xong cái muốn cho ông hiệu trưởng 1 bài học. Hiệu trưởng gì mà hay chửi tục quá đi. Nên tui im lặng không nói gì. Sáng hôm đó, bên trường vẫn tổ chức đi tham quan cho thầy cô và các em. Tờ mờ sáng, các em học sinh đã nô nức đeo khăn quàng, được phụ huynh chở lên trường ngồi chờ.

Các thầy các cô thì nào cơm nắm trái cây nước trà đá..., cũng ngồi chờ sớm từ lúc 6h sáng.

Đợi mãi đến 7h vẫn không thấy, các thầy phụ trách đội mới cho các em múa hát và các trò chơi sinh hoạt tập thể trong lúc chờ đợi. Hát hết bài này đến bài khác, múa hết bài này đến bài khác, sinh hoạt chán chê mà xe vẫn chưa thấy đâu.

Ông hiệu trưởng gọi vào máy di động lẫn máy bàn hoài mà tui không thèm bắt máy. Đâu 9h30 tui mới gọi lại giả bộ hỏi ổng "chớ thầy gọi em có gì hem". Ổng nói ủa sao xe công ty giờ vẫn chưa thấy lên, cả trường đang ngồi chờ nè. Cái tui nói chờ đợi chi thầy ơi, thầy cho các bạn giải tán hết đi. Có trung tâm du lịch Rạng Đông nào đâu, công ty Oan Lạc đó, lấy lại tiền nợ cũ đi Nha Trang đó thầy. Ông hiệu trưởng mất mấy phút lắp bắp mới nói lại được, nói cô, cô dám, dám....tôi sẽ sẽ sẽ kiện, sẽ thưa.

Cái cô Cao nói dạ muốn thưa muốn kiện gì thì tùy thầy, em có cái băng ghi âm lúc thầy nhận 3 triệu nè, em cũng trình ra luôn. Nên thầy nói các bạn giải tán hết đi nha, về sớm nghỉ ngơi chứ nắng. Nói rồi tui cúp máy, tới giờ hổng thấy ổng gọi lại....

Tony nghe xong mà người toát mồ hôi. Đúng như truyện kiếm hiệp Kim Dung, núi cao ắt có núi cao hơn. Mà bạn mình, tên Oan Lạc, họ Cao, làm gì cũng cao cơ.

Nên ông hiệu trưởng kia thua trí là phải.

Đề bài: Em hãy mô tả quang cảnh phòng chờ sân bay.

Em có dịp đi Hà Nội bằng máy bay. Xong thì em quay về lại Tp. Làm thủ tục xong và vào phòng chờ sân bay Nội Bài, em vừa yên tọa, bỗng giật mình bởi tiếng của 1 cô gái mặc áo dài xanh đứng núp trong cánh cửa, tay cầm cái mi cờ rô " Nây đi èn gen tờ mìn, Việt nam è lãi, phờ nai năm bờ Vi En Oanh Oanh Phò....hát bin đì lây " ( đoán là Ladies and Gentlemen, Vietnam Airlines, Flight Number 114 had been delayed).

1 cậu tre trẻ ngồi bên cạnh em liền chửi thề bằng tiếng Mỹ fax you man. Cậu lầm bầm nên đổi tên là Đì Lây È Lãi cho rồi. Lầm bầm xong, cậu móc điện thoại gọi điện cho người thân để thông báo. Cậu nói biết thế thì đã đi Jet Sờ Ta Pa Si Phíc È Lãi.

Em xếp cậu này thuộc nhóm rành sinh ngữ hay đang mần cho công ty nước ngoài, vì thấy nói chuyện không có câu nào mà đầy đủ tiếng Việt. Ví dụ 1 câu của cậu này là "Ối giời ơi nó lại đì lây ( delay) rồi, nên em nâu nít ( no need) ra đón anh sớm, khi nào có i xác thai ( exact time) anh sẽ còn phơm (confirm) lại".

Mấy cô mấy cậu khác thì em thấy đang chúi mũi vào cái lap tóp chắc để oánh gem chát chúa hay dạo chơi trên mạng, la hét om sòm cười nói như ở nhà riêng. Em xếp vào nhóm rành tin học.

Trong 1 góc, các bô lão đang hãnh diện kể cho nhau nghe về con A, thằng B của tôi...đang làm gì ở Sài Gòn. Lâu lâu vẫn quy thóc giá vé máy bay rồi chép miệng. Em xếp vào nhóm phu huynh có con cái Nam tiến, làm ăn có chút tiền muốn báo hiếu bằng cách ép các cụ sử dụng phương tiện giao thông hiện đại cho biết.

Một nhóm mấy bà mấy cô vội vã chạy vào quầy để mua sắm chè xanh, mơ, sấu, bánh đậu xanh..., mấy cô mậu dịch viên mặc áo dài hồng vây quanh tươi cười tiếp chuyện. Em xếp vào nhóm Hãy chọn giá đúng.

Phần lớn hành khách đắm chìm và say mê nhắn tin qua di dộng, lâu lâu lại cười hi hí. Với một số người Việt, ĐT di động là báu vật, cứ mấy phút phải móc ra coi 1 lần, thấy không có ai nhắn tin thì lại bỏ lại vô túi quần. Em xếp vào nhóm Đam mê Truyền Thông.

Vài ông nhìn da trắng meng méc chắc Đài Loan, Trung Hoa gì đó đang nói cười với mấy cô em xinh đẹp gốc Miền Tây, nói về Hở Nei, Xia Lỏng Wạn ( Hà Nội, Hạ Long)...Mấy cô em hạnh phúc ra mặt sau chuyến trăng mật. Em xếp vào nhóm hôn nhân có yếu tố nước ngoài.

Một nhóm say mê nhìn màn hình tivi đang phát chương trình gem sô gì đó thấy người chơi chạy nhảy lung tung và 2 MC ra sức lùa người chơi vào cái ô cho đúng luật, dạo này gem sô nhiều quá không biết cái nào là cái nào. Kết luận: Nhóm văn hóa nghe nhìn. Mấy khách du lich ngoại quốc mắt xanh đang ngồi thành 1 góc.

Tất cả im phăng phắc và mỗi người 1 cuốn sách trên tay. Để ý thấy Tây hay đọc sách trong sân bay, nhà ga, phòng chờ...cứ có thời gian rỗi là họ đọc.

Cảm giác bình thường không nôn nóng mấy. Em xếp vào nhóm cộng đồng văn hóa đọc, không thấy người Việt nào trong nhóm này, từ lâu rồi em không thấy người Việt nào đọc sách ở chốn công cộng.

Đợi lâu quá nên cậu trai rành sinh ngữ mon men tới ngồi cạnh đám khách Tây chắc để thực tập sinh ngữ. Cậu hỏi ngay một bà Tây rất già đang run run cầm sách (Chắc bị Parkinson nhưng cũng bon chen vui thú reading) " hoe oa ziu phờ zôm? – đoán là where are you from".

Bà Tây có vẻ bị làm phiền nhưng cũng mấp máy trả lời cho nó có văn hóa với người bản địa...

Quan sát tới đây thì đã quá mệt, em bèn ngủ gục.

Đói thì cho sạch

Ai đã từng học qua môn Marketing căn bản đều biết đến Philip Kotler. Hiện ông đang dạy bên ĐH Northwestern, Chicago. Năm 2007, giáo sư Kotler sang Việt Nam để giao lưu, nôm na là đi dạy cho các doanh nghiệp Việt Nam biết làm thương hiệu.

Học phí cũng đâu có ít, vài trăm USD/ngày, nhưng thôi cũng ráng ăn khoai ăn cỏ để tham gia. Có cả ông tây bà đầm học nữa. Trong lúc cao hứng, ông có đề nghị Việt Nam tìm 1 thương hiệu quốc gia, ví dụ như là cái nhà bếp của thế giới ( kitchen of the world) chẳng hạn.

Học trò ngồi dưới xôn xao, hay quá hay quá. Chưa nước nào nghĩ ra. Một Amazing Thailand hay một Truly Asia cũng chẳng thể sánh bằng. Rồi đây, thế giới sẽ biết tay ta.

Muốn ăn thì thì lăn sang nước Việt... Nghe đến đây, Tony liền bỏ học, chạy ra ngoài reo lên Eureka ( nhưng hem có nude)! Thì ra, anh ấy đã tìm được công thức làm giàu cho bản thân mình ( xong phần mở bài).

Vô thân bài nè: Thật ra cái Tony nghĩ cũng chẳng có sáng tạo gì, kiểu xe công nông cải tiến. Tony nghĩ Việt Nam có thể mang thương hiệu " nhà tắm của thế giới" ( bathroom of the world) được hông?. Thôi thì bố trí nhà tắm khắp nơi, từ sân bay bến cảng, đến cửa khẩu, nông thôn thành thị làng mạc phố xá ...đều có bảng hiệu "nhà tắm here" giăng giăng. Khách vào ra gì cũng bắt tắm.

Tắm rồi mới cấp visa.

Vào Việt Nam, câu đầu tiên hướng dẫn viên du lịch hỏi là " mày tắm chưa?". Các tour du lịch rộn ràng với các chương trình tắm trọn gói. Tắm nắng rồi tắm mưa.

Tắm sông rồi tắm suối, tắm hồ rồi tắm bể. Tắm khô rồi tắm bùn. Tắm hồ bơi, tắm sauna, tắm khoáng, tắm cao nguyên và tắm đồng bằng, tắm miền duyên hải và tắm nơi rẻo cao.

Tắm trà xanh. Tắm cà phê.

Nhà nhà tắm, người người tắm. Hòa chung không khí tắm táp đó, Tony mở thêm 1 công ty nữa có tên là " Tắm Việt"- theo model cái gì cũng có chữ Việt ở phía sau.

Hoa hậu Áo Tắm trong cuộc thi hoa hậu toàn quốc sẽ phụ trách mảng marketing.

Đài truyền hình sẽ có chương trình gameshow ăn khách là " tắm với ngôi sao", bữa thì mời Thanh Bạch, bữa thì mời Hồng Vân, bữa thì mời Công Lý, Quang Tèo, Lý Hùng, Lệ Thủy, Ngọc Giàu….. Công ty Tắm Việt sẽ nổi tiếng với câu slogan " Hãy về mà tắm ao ta, dù trong dù đục cũng là đi tăm" ( tức đi tắm, vì gieo vần lục bát nên phải thành tăm).

Sau đó thì Cổ phần ngay ! Mời 1 vài thiên tài trong lĩnh vực đồn thổi cổ phiếu. 1 ngày nghĩ ra 1 dự án. Vẽ vời nào lấn biển để xây nhà tắm nghỉ dưỡng, đục núi để xây hang tắm.

Dự án vừa thủy điện vừa tắm trên cái hồ chứa ( nhớ lưu ý kẻo kẹt chân vào tua bin máy phát điện nghen). Trồng cao su cũng có chương trình “ tắm trong rừng cao su”. Đầu tư quốc tế để có chương trình trái phiếu ủng hộ " tắm với Khơ Me Đỏ", "tắm với voi Lào".

Dân chúng mê tít mắt, mua cổ phiếu trái phiếu khí thế. Và thế là, Tony lại tha hồ đếm tiền trong nhà tắm !!! P/S: Thông báo mới nhất: sau bao năm cầm cự, công ty Tắm Việt chuẩn bị giải thể. Cty nợ lương nhân viên cả năm rồi và năm nào cũng thưởng tết bằng các suất tắm miễn phí. Có bữa hẻm có khách hàng nào, chỉ toàn cán bộ công nhân viên tắm rửa kỳ cọ lưng cho nhau nhưng mặt ai cũng buồn thiu.

Hôm qua, nhân viên trung thành nhất cuối cùng cũng rời bỏ công ty. Thằng này lúc vào gần 80kg giờ chỉ còn 45kg vì thiếu ăn. 2 gò má nó tóp lại và cái miệng dài ra thành cái mỏ. Hôm qua nó vào phòng Tony, vừa gõ cửa đã thấy cái mỏ vào trước, Tony giật mình không biết thể loại chim cò nào lạ quá bay vô đây, nó bảo, không phải chim đâu anh, em nè.

Nó lại mặc cái áo vàng khè làm mình nhìn thấy giống tụi bán pizza hóa trang thành vịt Donald đi giao bánh. Nó khóc với Tony “ Giờ suốt ngày em chỉ nghĩ đến việc ăn thôi anh à, lương anh không trả, em đói bụng quá mà suốt ngày bắt tắm cho khách coi, em tắm không nổi. Em biết đói thì phải sạch, nên cứ mỗi lần đói bụng, em lại đi tắm.

Nhưng bữa nay, tay em cầm cục xà bông không nổi nè anh. Em trả lại mấy vé tắm miễn phí, em đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc đây”. Nó nói rồi quày quả bước đi, nước mắt rơi lã chã nhưng không ướt được cái cằm vì bị cái mỏ hứng hết. Nói đến Hàn Quốc, Tony tự nhiên thèm kim chi.

Thèm gà đẻ thải dai nhách của nó nữa, đẻ mấy chục đợt và đầy kháng sinh bên trong, hết đẻ được nên bị thải, xuất qua Việt Nam được công ty nhập khẩu phù phép thành gà ta thả vườn.

Dai nên ai cũng thích vì có cái để nhai được lâu. Trong năm 2012 vừa qua, Việt Nam- 1 nước với 70% dân số làm trong lĩnh vực nông nghiệp-đã nhập từ Hàn Quốc, 1 nước công nghiệp phát triển với tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 15.54 tỷ USD, ngoài máy móc trang thiết bị hóa chất xe hơi, còn có cả ....gà đông lạnh.

Góp phần tạo nên cơ cấu mặt hàng nhập khẩu của nước ta thêm phong phú.

(CÒN TIẾP)

Đánh giá bài này
(0 bình chọn)
Đã xem 3054 lần
PHÒNG TCHC

Chào mừng quý vị đã ghé thăm website của chúng tôi. Mọi thắc mắc và phản ánh xin vui lòng liên hệ với bộ phận Quản trị - Phòng Kinh tế tổng hợp (Email: info@mascopex.com)

English Vietnam

PHÒNG KINH DOANH

     
 Tel / Whatsapp:
      +84 905 468 706 (Ms LOAN)

DỊCH VỤ VÉ MÁY BAY

     
Tel: 098 998 9992  (Ms Hằng)

     
Tel: 0901 307 308 (Ms Thanh)

VIDEO CLIP

THÀNH TÍCH

 

 

        

MASCOPEX

" MASCOPEX phấn đấu trở thành Công ty Uy tín – Tin cậy – Chất lượng hàng đầu trong lĩnh vực xuất nhập khẩu mặt hàng nông sản "

Default Theme
Layout Direction
Body
Background Color [r]
Text color [r]
Top
Top Background Image
Background Color [r]
Text color [r]
Bottom
Bottom Background Image
Background Color [r]
Text color [r]