Thị trường cà phê lên xuống phụ thuộc vào đồng USD và thời tiết tại Brazil. Tồn kho trên sàn tăng và thông tin xuất khẩu là nhân tố kéo giá cà phê giảm.
Theo các chuyên gia nhận định, thị trường hiện đi theo xu hướng giảm bởi những đợt thanh lý vị thế của những nguồn quỹ và nhà đầu cơ. Các đại lý cho biết, trong điều kiện thời tiết thuận lợi, tốc độ thu hoạch ở Brazil đang tiến triển tốt và nhanh hơn so với những năm trước.
Theo Viện chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, giá cà phê trong nước giảm mạnh thời gian qua do nguồn cùng cà phê thế giới được cải thiện khi Brazil vào vụ thu hoạch mới. Từ đó, khách hàng chuyển sang mua cà phê từ các nguồn cung từ nước này thay vì chỉ mua từ Việt Nam.
Giá cà phê phục hồi sau mức giảm ban đầu và kết thúc ở mức cao vừa phải do chỉ số đồng USD giảm xuống mức thấp nhất trong 1 tuần.
Theo Tổ chức Cà phê thế giới (ICO), trong tháng 4 giá cà phê đạt mức cao kỷ lục và đạt mức cao nhất trong 45 năm qua, nguyên nhân do lo ngại về tình trạng mất mùa ở Việt Nam - nước sản xuất cà phê Robusta lớn nhất thế giới.
Tồn kho cà phê Arabica đã qua phân loại và được chứng nhận nắm giữ trên thị trường New York tiếp tục 13.971 bao vào ngày 15/5, đưa số liệu tồn kho lên mức 735.694 bao.
Giá cà phê trong nước và thế giới nhìn chung đã giảm khá mạnh kể từ đầu tháng 5 đến nay, nhưng vẫn cao hơn trung bình các năm trước và dự kiến vẫn duy trì ở mức cao trong thời gian tới do tình trạng thiếu hụt nguồn cung Robusta toàn cầu.
Nguồn cung Robusta từ vụ thu hoạch mới tại Brazil được cho là khó có thể bù đắp được sự sụt giảm ở các nước sản xuất hàng đầu khác như Việt Nam, Indonesia…
Một số chuyên gia dự báo, có thể sự tiến triển của vụ cà phê năm 2024 của Brazil sẽ làm giá tăng thêm, đồng thời tăng áp lực tiêu cực lên thị trường, như đã xảy ra vào đầu mùa vụ năm ngoái. Tuy nhiên, khối lượng bán hàng tốt trong những tuần gần đây, với sự tham gia tích cực của các nhà sản xuất vào thời điểm giá tăng, đã giúp giảm bớt rủi ro khi vụ mùa đến. Mặc dù giá trị hiện nay thấp hơn mức 1.300 BRL/bao đạt được vào giữa tháng 4, nhưng thị trường vẫn ở trong một khu vực rất thuận lợi cho người bán.
Theo chuyên gia của Hiệp hội Cà phê - cacao Việt Nam, biến đổi khí hậu không chỉ ảnh hưởng riêng Việt Nam mà ảnh hưởng các vùng trồng toàn cầu. Niên vụ 2023-2024 dự báo chịu tác động của El Nino lớn hơn so với các niên vụ trước. Những nước sản xuất cà phê lớn như Brazil, Indonesia, Ấn Độ đều chịu ảnh hưởng do mất mùa, sản lượng niên vụ năm nay giảm khoảng 10-15%. Trong khi đó niên vụ 2023-2024 sản lượng cà phê Việt Nam dự báo giảm 10%.
Brazil đã bắt đầu bước vào vụ thu hoạch cà phê Robusta với sản lượng dự kiến tăng trong năm thứ 4 liên tiếp, với mức tăng 7,2% so với niên vụ trước lên 17,3 triệu bao. Cơ quan Thống kê nông nghiệp Brazil (Conab) cho biết, năng suất trung bình của các cánh đồng trồng cà phê Robusta ở nước này đã tăng khoảng 50% trong vòng 10 năm lên 44,2 bao (60 kg)/ha. Ngược lại, năng suất trên các cánh đồng trồng cà phê Arabica tăng 24% trong cùng kỳ lên 26,7 bao/ha.
Còn tại Việt Nam, vùng Tây Nguyên đã có lượng mưa tăng trong tuần đầu tiên của tháng 5, điều này rất cần thiết sau tháng 4 khô hạn hơn bình thường. Theo truyền thống, mùa mưa ở Việt Nam sẽ bắt đầu vào tháng 4 và kéo dài đến khoảng tháng 10 hàng năm. Mặc dù vậy, lượng mưa trong tháng 5 dự kiến vẫn sẽ thấp hơn mức trung bình và điều này đang được những người tham gia thị trường theo dõi chặt chẽ.
Nguồn: Ngọc Ngân - Báo Công Thương