Quỹ phát triển cà phê: Nhà nông cần gì và được gì?

Bẵng đi một thời gian, từ năm 2012 đến nay, chuyện thu phí trên mặt hàng cà phê xuất khẩu tưởng bị lãng quên, nhưng mới đây đã được nhắc lại và với nhiều ý kiến trái chiều.

Quỹ Phát triển cà phê Việt Nam (Vietnam Coffee Development Fund - VCDF) đang được đề xuất. Mức phí thu đang được đề nghị là 2 đô la Mỹ trên một tấn cà phê nhân xuất khẩu.

Nếu được Chính phủ chấp thuận, việc thu phí cà phê xuất khẩu để phát triển ngành hàng có thể được áp dụng từ năm 2017. Thật ra, đề xuất lập quỹ như thế này không mới vì trước đây đã từng được áp dụng và thực hiện trên hạt cà phê xuất khẩu.

Phụ thu cà phê xuất khẩu: nhớ chuyện cũ

Cuối thế kỷ trước, khi giá cà phê trên thị trường thế giới tăng mạnh, giá cà phê xuất khẩu bấy giờ có lúc lên trên 2.000 đô la/tấn, một hình thức phụ thu cà phê xuất khẩu tính trên tỷ lệ phần trăm của giá xuất khẩu đã được thực hiện. Tuy nhiên, số tiền thu được qua chương trình này bao nhiêu, người đóng góp hầu như không nắm được.

Ở những năm đầu thế kỷ 21, khi giá trị “mỗi cân cà phê chỉ bằng một ký cà pháo”, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu (chủ yếu ở khu vực quốc doanh) thua lỗ nặng do mua hàng trữ lúc giá cao. Lúc bấy giờ, giá xuất khẩu cũng như ở nội địa xuống mạnh, có lúc giá cà phê nguyên liệu trong nước chỉ bán được quanh 4.000 đồng/ki lô gam, giá xuất khẩu thực tế do các doanh nghiệp thu về có hợp đồng chỉ chừng 100-150 đô la Mỹ/tấn. Công bằng mà nói, quỹ phụ thu đã xuất tiền “ứng cứu” nhưng chỉ hỗ trợ một phần cho các doanh nghiệp xuất khẩu báo bị thua lỗ trong kinh doanh do mua cà phê trữ chờ giá tăng. Còn nông dân, nếu truy tận gốc, chính họ là người đóng phụ thu, thì hầu như không được sự quan tâm của cơ quan quản lý quỹ dù giá nguyên liệu cà phê bấy giờ dưới giá thành rất xa.

Năm 2012, khi giá cà phê tăng trên 45.000-50.000 đồng/ki lô gam, đã có lúc Hiệp hội Cà phê-Ca cao Việt Nam (Vicofa) đề xuất thu phí xuất khẩu cà phê cũng với mức 2 đô la/tấn cho một quỹ lấy tên Quỹ Bảo hiểm xuất khẩu cà phê. Thế nhưng không biết vì sao quỹ này đến nay chưa được thành lập.

 
“Tái canh chúng tôi tự làm được, tổ chức sản xuất hợp lý cũng dễ thôi. Cái chúng tôi cần nhất trong giai đoạn hiện nay và những năm tới là kiến thức kinh doanh cà phê với tư cách hàng hóa nguyên liệu, chạm mặt thương trường để tìm cách tăng tính cạnh tranh thì hoàn toàn không có ai giúp”.
 

Ra đời trong hoàn cảnh ngang trái

Nghe đâu, VCDF đang được đề xuất một cách tích cực. Có người cho rằng số tiền phải thu và cách thu thông qua hải quan cửa khẩu khi cà phê được xuất bán: chuyện quá dễ không phải bàn. Chỉ có hoàn cảnh ngang trái là giá cà phê đang ở mức thấp nhất tính từ bốn năm năm nay, chỉ còn trên dưới 30.000 đồng/ki lô gam, giảm trên 20.000 đồng/ki lô gam. Lại thêm thị trường hàng hóa nguyên liệu nói chung đang trong chu kỳ giảm.

Điều oái oăm nữa là người trồng cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên đang vật lộn với hạn hán, chạy từng đồng để mua nước tưới cây cà phê đang khát trầm trọng. Ở nhiều nơi, nông dân phải đào giếng tìm nguồn nước ngầm sâu hơn trăm mét với chi phí 40-45 triệu đồng một giếng khoan, tương đương gần 1,5 tấn cà phê. “Khi giá cao làm ăn có lời, nộp mấy cũng được. Giá thấp thế này, chi phí sản xuất cao, tính cạnh tranh giảm, kim ngạch năm vừa qua cũng giảm nhiều, nửa đô la vẫn là lớn”, anh Trần Thanh Bạch, người có vườn cà phê tại huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm đồng, nói.

Suy cho cùng thì chính nhà nông phải trả phí này, nhưng cơ may họ được hưởng từ quỹ phát triển ngành hàng mà họ đóng góp là chuyện xa vời vợi.

Quan trọng là ai quản lý và sử dụng thế nào

Quỹ Phát triển cà phê Việt Nam là tổ chức tài chính ngoài ngân sách nhà nước nên việc quản lý và trách nhiệm quản lý cần được phân định rõ ràng. Chính người chủ quản quỹ phải lập chương trình phát triển để hỗ trợ và thay đổi chương trình theo từng thời kỳ.

Chưa biết ai sẽ được chọn để giữ quỹ này, mỗi năm quản lý một món tiền khá lớn. Nếu như bình quân hàng năm Việt Nam xuất khẩu 1,5 triệu tấn cà phê, mỗi mùa sẽ có 3 triệu đô la Mỹ. Đó là chưa tính cà phê chế biến. Nếu tính cho thật công bằng, các nhà xuất khẩu cà phê chế biến thành phẩm như rang xay, hòa tan và các sản phẩm chế biến khác cũng phải được quy ra thành cà phê nhân để đóng góp.

Nếu giao trách nhiệm quản lý quỹ này cho hiệp hội, thì đến nay, hiệp hội chỉ quy tụ hầu hết là những nhà kinh doanh xuất khẩu. Người nông dân liệu có được hưởng lợi ích từ những chương trình phát triển do quỹ đề xướng và thực hiện?

Sản xuất cà phê Việt Nam không như nhiều nước khác, tuyệt đại bộ phận nông dân làm ra hạt cà phê là người sản xuất nhỏ lẻ, nhỏ tới độ khó tin. Các chủ sở hữu vườn cà phê chỉ từ 0,5-2 héc ta chiếm một tỷ lệ rất lớn, dễ phải đến 70-80%. Trong khi đó hiện nay, đứng trước một thị trường kinh doanh hàng hóa nguyên liệu bị các quỹ đầu cơ tài chính và đại gia công nghiệp thực phẩm đa quốc gia khuynh đảo, nông dân cà phê “đặc thù sản xuất nhỏ lẻ Việt Nam” rất lẻ loi, chỉ biết tự mình bươn chải với sản xuất và thị trường.

Họ không có tiếng nói trong hiệp hội. Một hình thức tổ chức như hội nông dân cà phê hay hợp tác xã sản xuất chuyên ngành cà phê cũng hiếm, để thông qua đó, họ còn có cơ may chạm tay đến các chương trình phát triển của quỹ do chính họ góp tiền. Vì thế, rất cần sự có mặt của đại diện nông dân sản xuất cà phê, kể cả sản xuất nhỏ lẻ, trong ban quản trị quỹ phát triển này.

Một chủ vườn đang tham gia một hợp tác xã tự nguyện mới thành lập tại huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai trần tình:“Tái canh chúng tôi tự làm được, tổ chức sản xuất hợp lý cũng dễ thôi. Cái chúng tôi cần nhất trong giai đoạn hiện nay và những năm tới là kiến thức kinh doanh cà phê với tư cách hàng hóa nguyên liệu, chạm mặt thương trường để tìm cách tăng tính cạnh tranh thì hoàn toàn không có ai giúp”.

Nếu hỏi người nông dân ngày nay cần gì từ một chương trình phát triển cà phê nào đó? Có thể thấy họ cần những phân tích chuyên sâu, rạch ròi về thị trường hơn khuyến khích giữ hàng. Những khuyến nghị giữ hàng có thể có lợi cho doanh nghiệp nhưng một khi thị trường đi ngược với nhận định, chính nông dân là những người khốn đốn nhất.

Như vậy, cần có những chương trình hỗ trợ và lộ trình phát triển rõ ràng, minh bạch với các tiêu chí, điều kiện hưởng lợi ích từ quỹ này. “Chứ những nông dân thấp bé như chúng tôi khi cần tới viên bi thì quỹ lại cho cục kẹo mà cứ phải nộp phí thì... oan lắm!”, ông xã viên thời hiện đại nói. 

Nguyễn Quang Bình (TBKTSG Online)

Đánh giá bài này
(0 bình chọn)
PHÒNG TCHC

Chào mừng quý vị đã ghé thăm website của chúng tôi. Mọi thắc mắc và phản ánh xin vui lòng liên hệ với bộ phận Quản trị - Phòng Kinh tế tổng hợp (Email: info@mascopex.com)

English Vietnam

PHÒNG KINH DOANH

     
 Tel / Whatsapp:
      +84 905 468 706 (Ms LOAN)

DỊCH VỤ VÉ MÁY BAY

     
Tel: 098 998 9992  (Ms Hằng)

     
Tel: 0901 307 308 (Ms Thanh)

VIDEO CLIP

THÀNH TÍCH

 

 

        

MASCOPEX

" MASCOPEX phấn đấu trở thành Công ty Uy tín – Tin cậy – Chất lượng hàng đầu trong lĩnh vực xuất nhập khẩu mặt hàng nông sản "

Default Theme
Layout Direction
Body
Background Color [r]
Text color [r]
Top
Top Background Image
Background Color [r]
Text color [r]
Bottom
Bottom Background Image
Background Color [r]
Text color [r]